Tin thủy sản Cách nào giảm chi phí đầu vào?

Cách nào giảm chi phí đầu vào?

Author Trọng Nam, publish date Saturday. March 21st, 2020

Giảm chi phí đầu vào sẽ giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi cá tra. Để làm được điều này cần lưu ý một số vấn đề.

Chăm sóc và cho ăn

Trước khi thả giống cần phơi ao 10 - 15 ngày, sau đó cải tạo ao, loại bỏ bùn đáy ao, rải vôi. Xử lý nước bằng hóa chất trước khi thả giống 1 - 2 ngày, xử lý cá giống trước khi thả.

Sau khi đem giống về, 2 ngày đầu không cho cá ăn, sau đó cho ăn thức ăn viên có trộn Vitamin C và men tiêu hóa (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cá tiêu hóa tốt sẽ giảm hao hụt bước đầu.

Tháng đầu, cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp; tháng kế tiếp cho cá ăn bằng thức ăn tự chế với tỷ lệ 4/6 (cám 40%, cá tạp 60%) và các tháng tiếp theo thay đổi tỷ lệ là 5/5 (50% cá + 50% cám); các tháng cuối cho ăn thức ăn công nghiệp. Trong quá trình nuôi, định kỳ trộn Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn. Thường xuyên theo dõi môi trường, sức ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn. Khi cá có những biểu hiện bất thường, kiểm tra lại các yếu tố trong ao nuôi, nước xấu thì thay nước mới, hoặc xử lý bằng chế phẩm vi sinh. Khoảng 3 tháng hút loại bỏ bùn đáy ao một lần và xử lý nước bằng vi sinh.

Thường xuyên theo dõi sức ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn - Ảnh: Ngọc Trinh  

Thực hiện chế độ cho ăn gián đoạn theo chu kỳ một ngày ăn một ngày nghỉ thì hệ số thức ăn giảm chỉ còn 1,45 - 1,5 (giảm 0,1 - 0,4 kg thức ăn cho mỗi kg cá) trong khi cá vẫn tăng trưởng tốt. Với giá thức ăn cá tra hiện nay khoảng 12.500 đồng/kg thì giá thành nuôi cá tra giảm 1.250 - 5.000 đồng/kg.

Phòng ngừa dịch bệnh

Mùa nước lũ về, cá hay bị sán ký sinh, lúc này nên sử dụng hóa chất xử lý nước và trộn thuốc vào thức ăn cho cá ăn liên tục 2 - 3 ngày thì hiệu quả diệt sán rất cao. Một số loại thuốc đặc trị hiệu quả: USA Santa; Hi-Para…

Sau khi xử lý ký sinh trùng, 2 - 3 ngày sau xử lý lại bằng chế phẩm sinh học. Cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời các loại bệnh nguy hiểm ở cá nuôi, như: bệnh gan thận mủ, bệnh trương bóng hơi, xuất huyết… để có biện pháp cách ly, phòng trị bệnh kịp thời bằng kháng sinh hoặc hóa chất.

Trong quá trình nuôi, nên sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý chất lượng nước, môi trường ao nuôi và dịch bệnh. Từ đó, giúp giảm chi phí, bền vững với môi trường. Đồng thời hạn chế được chất thải và nguồn nước thải, bởi hiện tại và về lâu dài, nguồn nước thải, chất thải từ nuôi cá ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.


Related news

phong-benh-cho-nhuyen-the Phòng bệnh cho nhuyễn thể hop-tac-quoc-te-xay-dung-thuong-hieu-ca-ngu-dai-duong Hợp tác quốc tế xây…