Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Động Vật Rừng Hiệu Quả Nhưng Mạo Hiểm

Chăn Nuôi Động Vật Rừng Hiệu Quả Nhưng Mạo Hiểm

Publish date Friday. November 22nd, 2013

Phong trào nuôi động vật rừng được nhiều nông dân quan tâm. Nó không chỉ tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn là giải pháp bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Hiệu quả nhưng mạo hiểm

Trong chuyến đi các xã vùng đồi của Thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), chúng tôi có dịp thăm trang trại của chị Tôn Nữ Thị Hường. Trang trại hiện có trên 100 con lợn rừng, trong đó có 50 lợn nái, và 5 lợn đực giống. Mỗi năm lợn rừng sinh hai lứa, mỗi lứa sinh khoảng 6 đến 9 con, trừ hao hụt chị có thêm trên 600 lợn con. Sau gần 1 năm chăm sóc, lợn rừng đạt trọng lượng khoảng 25kg bán với giá 190 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 500 triệu đồng từ nuôi lợn rừng. a
Chị Hường, cho biết: “Ban đầu, mình đầu tư 740 triệu đồng mua lợn giống nhưng do chưa có kinh nghiệm nuôi nên sau một thời gian lợn rừng chết hết. Sau này, nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi nên số lượng đàn ngày một tăng lên.

Cộng với mối quan hệ rộng với các chủ nhà hàng và các trang trại lớn từ nam chí bắc nên đầu ra của lợn rừng khá thuận lợi”

Về kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản, lợn đực cần nuôi riêng và tỷ lệ phối giống là 1 lợn đực cho 5-10 lợn nái. Lợn nái trong thời gian mang thai ngoài các thức ăn thường phải bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố. Đối với lợn con mới đẻ, nên cho bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Lợn rừng cũng mắc các bệnh như lợn nhà, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thường xuyên theo dõi những biểu hiện khác thường của lợn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lợn ở trang trại của chị Hường đều là lợn rừng đặc chủng, bởi bố mẹ chúng đều đưa từ rừng về thuần dưỡng. Một con lợn rừng đặc chủng phải đạt các tiêu chí thịt ngon, không có mỡ, da và lông dày, dưới cằm và dưới bụng có vệt trắng. Không chỉ cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các nhà hàng, trang trại ở thành phố Huế, trang trại chị còn là đầu mối cung cấp lợn thịt và lợn giống cho các tỉnh thành trong cả nước.

Nuôi động vật rừng đang khẳng định được hiệu quả của mình trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế nhiều trang trại nuôi động vật rừng đang gặp khó khăn bởi chưa chọn được đối tượng nuôi phù hợp và đầu ra hạn chế.

Cần chọn lọc đối tượng nuôi

Cách đây chừng 5 năm, đi đâu cũng nghe kháo nhau về hiệu quả kinh tế từ việc nuôi nhím, nhà nhà nuôi nhím, người người nuôi nhím tạo nên một phong trào phát triển đàn nhím khá rầm rộ. Nhiều gia đình dốc hết gia sản mua nhím giống về nuôi, lời thu lại chưa được bao nhiêu nhưng giờ đã rơi vào cảnh lao đao. Tham quan mô hình nuôi nhím của ông Lê Đăng, xã Điền Hương, huyện Phong Điền khi phong trào phát triển khá rầm rộ trên địa bàn tỉnh. Nhờ việc nuôi nhím, gia đình ông đã tạo dựng được một cơ ngơi khá khang trang, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2007-2009 được xem là thời đại hoàng kim của nhím bởi giá nhím giống có lúc được đẩy lên 30 triệu đồng/cặp, nhím thịt từ 600-700 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân đổ xô đi nuôi nhím. Đến năm 2010, giá nhím đột ngột rớt thê thảm, từ 30 triệu đồng xuống còn dưới 3 triệu đồng/cặp nhím giống, nhím thịt còn dưới 150 nghìn đồng/kg nhưng cũng không có đầu ra, rất nhiều nông dân đổ nợ vì con nhím.

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương, cho biết: “Hơn 5 năm trước, phong trào nuôi nhím tại địa phương phát triển rất mạnh, cao điểm có gần 15 hộ nuôi với trên 100 con. Nhưng nay chỉ còn 4 hộ nuôi nhím, với số lượng nuôi khoảng 32 con. Trước đó, người ta nuôi chủ yếu bán nhím giống, nhưng nay do giá nhím giống giảm mạnh, người dân không biết bán cho ai. Trong khi đó, thị trường xem thịt nhím là món ăn quá xa xỉ nên nhiều nhà hàng không đưa vào thực đơn. Nhiều hộ chấp nhận bán với giá 1 triệu đồng/con, nhưng cũng chẳng có người mua”.

Ông Nguyễn Ánh, khu vực 3, thị trấn Phú Lộc, là một trong những người đầu tiên trong tỉnh nuôi thành công kỳ đà vân và một số loài động vật rừng khác. Ông Ánh cho biết: “Từ năm 2010, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng làm gia trại, thả nuôi 20 con kỳ đà và một số loài như nhím, cầy hương, chồn... Sau hơn 2 năm, trang trại xuất bán được kỳ đà thịt với giá 700 nghìn đồng/kg; kỳ đà giống bán với giá trên 3 triệu đồng/con”. Là người tiên phong nuôi kỳ đà vân, loài thú quý hiếm thuộc nhóm IIB và cầy vòi hương, ông Ánh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự cần cù và nhiệt tâm, ông chinh phục thành công những loại động vật nuôi khó tính này. Ông lặn lội vào tận Đồng Nai mua giống, rồi tự mày mò tìm hiểu về các kỹ thuật nuôi cũng như chăm sóc loài động vật này. Sau một thời gian, biết được lợi thế của từng vật nuôi, ông bắt đầu tập trung tăng đàn đối với cầy vòi hương và tập trung nuôi kỳ đà vân sinh sản để cung ứng cho thị trường.

Không chỉ có lợn rừng, kỳ đà vân, cầy vòi hương mà nhiều loài động vật rừng, động vật quý hiếm khác sau khi được đưa vào nuôi đã khẳng định được hiệu quả như, cá sấu, rắn… Yếu tố quan trọng tạo nên thành công của những mô hình này, ngoài việc vận dụng tốt kỹ thuật nuôi, khả năng lựa chọn hợp lý đối tượng nuôi và đầu ra của sản phẩm là điều rất quan trọng.

Hiện, toàn tỉnh có 122 cơ sở nuôi động vật hoang dã và động vật hiếm, trong đó có 120 cơ sở chăn nuôi động vật rừng thông thường với trên 1.804 cá thể, 2 cơ sở nuôi động vật hiếm (kỳ đà vân, cá sấu).


Related news

cong-nghe-say-lua-ngay-cang-phat-trien Công Nghệ Sấy Lúa Ngày… lo-hong-quan-ly-thuoc-thuc-an-thuy-san "Lỗ Hổng" Quản Lý Thuốc,…