Tin nông nghiệp Chuẩn bị tốt cho vụ thu đông 2018

Chuẩn bị tốt cho vụ thu đông 2018

Author Hoang Xuân, publish date Tuesday. August 14th, 2018

Dù vụ thu đông chưa xuống giống nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp của vụ hè thu 2018, đặc biệt là rầy nâu vẫn còn mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) khá cao, cần đề phòng khả năng di trú sang vụ thu đông sớm. Việc nắm chắc diễn biến sâu bệnh, dịch hại, tình hình thời tiết, tuân thủ tốt lịch thời vụ sẽ giúp nông dân có một vụ lúa thu đông an toàn hơn.

Sau khi thu hoạch lúa hè thu, nên cày ải, phơi đất thật kỹ trước khi xuống giống vụ thu đông

Tiếp diễn nỗi lo rầy nâu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, dự kiến đến ngày 15-7, tỉnh sẽ thu hoạch 20% diện tích lúa hè thu và sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 9-2018. Qua thống kê, diện tích bị nhiễm rầy nâu tăng cao (10.427ha), đặc biệt bệnh VL-LXL do rầy nâu lây truyền đã xuất hiện và gây hại nhẹ trên trà lúa sớm ở Tri Tôn (150ha), TP. Long Xuyên (10ha). Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện rải rác với mật số thấp trên các trà lúa ở các địa phương trong tỉnh.

“Kết quả test Elisa mẫu rầy nâu gần nhất cho thấy, tại An Giang, rầy nâu vẫn còn mang mầm bệnh VL (13,3%), LXL (20%). Đây là mối nguy cơ lan truyền mầm bệnh và có khả năng gây hại cho vụ lúa thu đông 2018 nếu không áp dụng các biện pháp phòng trừ sớm ngay từ đầu vụ”- ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, lưu ý.

Theo ông Hiền, đáng lo nhất là rầy nâu có khả năng sẽ di trú từ vụ hè thu sang lúa thu đông sớm. Dự kiến, sẽ có 3 đợt rầy cám nở chính vào giữa tháng 8 (gây hại với mức độ nhẹ trên trà lúa sớm ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng), giữa tháng 9 (gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ, trên trà lúa đại trà) và đầu đến giữa tháng 10 (gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa muộn). “ND nên thăm đồng thường xuyên, đặc biệt chú ý khi canh tác các giống nhiễm rầy như: Jasmine, nếp, lúa Nhật, DS1, IR50404, OM4900, OM4218, OM6073, OM6561, OM6377, OM5451...”- ông Hiền nhắc nhở.

Để hạn chế thiệt hại do rầy nâu, bệnh VL-LXL, ND nên áp dụng triệt để biện pháp gieo sạ đồng loạt, né rầy trong khu vực hoặc tiểu vùng, cần tuân thủ xuống giống 2 đợt: đợt 1 từ ngày 1 đến 10-8 (20 đến 29-6 âm lịch), xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa hè thu sớm và đại trà; đợt 2 xuống giống từ ngày 25-8 đến 10-9 (nhằm 15-7 đến 1-8 âm lịch), xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch lúa hè thu muộn.

Thăm đồng thường xuyên

Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, điều kiện thời tiết vụ thu đông 2018 thuận lợi cho nhiều dịch hại như: đạo ôn, cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn, lem lép hạt, muỗi hành, chuột, ốc bưu vàng… Đơn vị khuyến cáo ND cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng giống xác nhận, gieo sạ theo hàng hoặc sạ thưa với lượng giống từ 80-100kg/ha…

ND cần đẩy mạnh ứng dụng chương trình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch đến ruộng, giúp phòng trừ được sâu rầy hại lúa; không sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn 40 ngày đầu nhằm bảo vệ hệ thiên địch, tránh bộc phát rầy nâu ở giai đoạn sau.

“Trước khi gieo sạ lúa thu đông nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, cày ải phơi đất ít nhất 2 tuần để hạn chế nguồn bệnh, tạo điều kiện cho đất thêm tơi xốp, tăng độ phì cho đất. ND nên tạo mặt ruộng bằng phẳng để dễ điều khiển mực nước giúp diệt cỏ dại tốt, tạo điều kiện cây lúa phát triển đồng đều và hạn chế sự gây hại của ốc bươu vàng”- ông Hiền lưu ý.

Trong quá trình canh tác, ND cần bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, hạn chế bón thừa phân đạm. Nên bón lót phân lân, bón phân đợt 1 sớm (từ 7-10 ngày sau sạ), tăng cường bón phân lân và kali để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ. Khi cây lúa ở giai đoạn mạ có rầy nâu di trú tới, cần theo dõi thường xuyên, nếu thấy rầy cám với mật số 3 con/tép, đa số rầy ở tuổi 2-3 mới xử lý bằng các loại thuốc đặc trị rầy nâu.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ hoặc hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu phun vào giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa. Khi sử dụng thuốc, phải theo nguyên tắc “4 đúng”. Nếu phát hiện cây lúa bị bệnh VL-LXL phải nhổ và tiêu hủy ngay. Khi thu hoạch lúa hè thu, nên ví cù bắt chuột ở những ruộng thu hoạch sau cùng trong khu vực để giảm mật số chuột; tuyệt đối không dùng bẫy điện để diệt chuột…

Vụ thu đông 2018 có 2 đợt xuống giống tập trung: từ ngày 1 đến 10-8 (đợt 1) và từ ngày 25-8 đến 10-9 (đợt 2).


Related news

thanh-long-ruot-do-tren-xu-nghe Thanh long ruột đỏ trên… quy-trinh-ky-thuat-trong-cai-cu-phan-3 Quy trình kỹ thuật trồng…