Mô hình kinh tế Chung Quanh Việc Thí Điểm Bảo Hiểm Thủy Sản Tại ĐBSCL

Chung Quanh Việc Thí Điểm Bảo Hiểm Thủy Sản Tại ĐBSCL

Publish date Saturday. July 6th, 2013

Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước.

Trong những ngày gần đây, ở Cà Mau nắng hạn gay gắt, môi trường nước trên các sông, rạch và trong các ao, đầm nuôi biến động rất lớn gây bất lợi, làm cho tôm nuôi ở nhiều vùng chết với mức độ khá cao. Trong ảnh: Kiểm tra tình hình dịch bệnh trên tôm sú ở huyện Thới Bình (Cà Mau).

Ðây cũng là một trong những giải pháp tài chính hỗ trợ hiệu quả cho người sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng hiện nay, việc thí điểm bảo hiểm thủy sản đang đứng trước nguy cơ phải dừng vì nhiều lý do khác nhau; và không có sự "vào cuộc" khẩn trương, đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và cả người dân tham gia chương trình.

Nông dân ngơ ngác, doanh nghiệp hụt hơi

Trong cái nóng tháng 6 nồng nực xen những trận mưa dai dẳng, con thuyền lá nhỏ đưa Ðoàn khảo sát thực trạng Chương trình thí điểm BHNN len lách vào các buôn, ấp gặp những người dân tham gia BHNN cho con tôm tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ðây là địa bàn "nóng bỏng" nhất vùng đất mũi, bởi nông dân không thể ký được hợp đồng cho mùa nuôi tôm mới, mặc dù Chương trình thí điểm này chỉ còn không quá sáu tháng nữa là kết thúc.

Anh Nguyễn Văn Sáng, một hộ nuôi tôm ở đây cho biết: "Nhà tôi có ba ao nuôi, cả ba ao đều mua BHNN, và đây đã là vụ thứ hai gia đình tham gia loại hình bảo hiểm (BH) này. Vụ nuôi trước, vì còn thăm dò nên tôi chỉ mua BH cho một ao. Hết vụ, cả ba ao đều trúng mùa, không phải nhận tiền BH, thế nhưng vụ này ngay từ đầu tôi đã mua BH cho cả ba ao vì e rủi ro".

Chỉ cách nhà anh Sáng chừng hai chục phút đi xuồng, gia đình anh Nguyễn Quốc Sự có mấy ao nuôi tôm bị mất trắng. Do mua BH cho nên gia đình anh được xét đền bù, nhận lại phần lớn chi phí đã bỏ ra. Ðược nhận tiền BH nhanh chóng, bà con chung quanh tấm tắc khen anh biết nhìn xa trông rộng.

Trước lời khen đó, anh thật thà: "Tôi chỉ biết là Nhà nước đã nghĩ ra chính sách gì giúp nông dân thì đều đúng, đều vì nông dân mình cả, không nghe, không làm theo Nhà nước thì còn làm theo ai, nên tôi không quá tính toán, lăn tăn khi mua BH cho các ao nuôi".

Chính vì những suy nghĩ tích cực đó mà nhiều người nuôi tôm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai nuôi, dù những vụ trước đã hứng chịu nhiều thất bát và hiện tại chưa cầm trong tay hợp đồng BH. Khi được tin doanh nghiệp BH tạm ngừng ký hợp đồng (HÐ) mới đã khiến người dân lo lắng, bởi họ đã tạm ứng tiền phí cho đại lý BHNN. Một thành viên ban chỉ đạo địa phương cho biết: "Năm trước, khi mới bắt đầu triển khai, việc vận động các hộ nuôi tôm ở Cà Mau tham gia BHNN là rất khó khăn, vì họ chưa hiểu.

Nhưng khi đã hiểu và tích cực tham gia thì BH bị dừng lại. Thêm vào đó, nhiều hồ sơ thiệt hại vẫn chưa nhận được tiền đền bù, bà con bất bình nhiều lắm nhưng vẫn mong được ký HÐ, bởi sự rủi ro trong nuôi tôm là quá lớn. Việc DNBH tạm dừng ký HÐ mới, đồng thời đề nghị thương thảo để sửa đổi một số điều khoản của HÐ đã ký khiến bà con rất hoang mang".

Không chỉ riêng Cà Mau mà các hộ dân tại tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre đều cho biết, nguyện vọng của phần lớn người nuôi thủy sản là tiếp tục được tham gia BHNN. Thế nhưng, ngoài Bến Tre, Cà Mau thì tại ba tỉnh còn lại thuộc diện được chỉ định triển khai thí điểm BHNN là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh, việc ký HÐBH đã ngừng từ đầu năm tới nay.

Theo lãnh đạo Tổng CTCP Bảo Minh, đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 590/1.932 HÐ (xấp xỉ 30%) phát sinh thiệt hại, và DN đã bồi thường 460 HÐ với số tiền 28 tỷ đồng, hiện vẫn còn 130 hồ sơ phát sinh chưa thẩm định kịp. "Ngay sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo BHNN Trung ương về tăng cường công tác quản lý rủi ro trong BHNN với năm tỉnh thí điểm BHNN thủy sản đầu năm nay, Tổng CTCP Bảo Minh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên siết chặt công tác thẩm định, đánh giá rủi ro trước, trong và sau khi tiến hành ký HÐBH theo nguyên tắc làm tới đâu, chắc tới đó.

Tuy nhiên, DN hiện đang rất khó khăn về dòng tiền, quá trình tái BH lại kéo dài, phần phí BH do Ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ vẫn chưa giải ngân hết nên không đủ nguồn để xử lý nhanh công tác bồi thường. Và quan trọng hơn là cho tới hiện giờ, các DNBH đều chưa thể thu xếp được việc tái BH năm 2013, nên không dám mạo hiểm triển khai", lãnh đạo Tổng CTCP Bảo Minh cho biết.

Ðể chương trình thí điểm BHNN tiếp tục

Tình trạng người nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL đang đối mặt nguy cơ tiếp tục nuôi trồng trong điều kiện không được bảo vệ tài chính là có thật. Nhưng không chỉ vụ này, mùa này, năm này, mà nguy cơ đó có thể là vĩnh viễn, vì nếu giữa tháng 7, khi người dân đã làm xong công việc thả giống mà không ký được HÐBH thì việc bảo hiểm thủy sản năm 2013 sẽ phải dừng. Theo chúng tôi, các cấp, các ngành liên quan cần khẩn trương "vào cuộc" tìm cho được "lối thoát" để tiếp tục triển khai chương trình thí điểm này một cách trọn vẹn, làm căn cứ để Ðảng, Nhà nước có những giải pháp và bước đi thích hợp cho giai đoạn kế tiếp.

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Trịnh Quang Tuyến nhận định: "Tái BH, chủ trương triển khai dài hạn có sự tham gia của Nhà nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của DNBH, của người dân... là những yếu tố quyết định số phận của chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế một cách thực chất và hiệu quả này".

Ðó là một ý kiến khá xác đáng. Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) về tình hình tổn thất BHNN thủy sản tại năm tỉnh ÐBSCL cho thấy, tới tháng 5-2013, số tiền mà các DNBH đã bỏ ra đền bù cho người nuôi trồng thủy sản là 282,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare) và Tập đoàn Bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re) - doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định nhiệm vụ tái BHNN đã phải chịu một khoản lỗ rất lớn là 462 tỷ đồng. Do số lượng và tỷ lệ bồi thường BH thủy sản năm 2012 khá lớn, khiến cho năm 2013, các DNBH gốc gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp tái BH. Ðây là lý do cốt yếu mà đến thời điểm hiện nay, dù bảy tháng đã trôi qua, và vụ nuôi tôm cuối cùng đã bắt đầu từ lâu nhưng cả Bảo Việt lẫn Bảo Minh đều phải dừng triển khai BH thủy sản.

Phát biểu ý kiến trong cuộc họp khẩn cấp do Bộ Tài chính triệu tập về việc tìm cách tháo gỡ ách tắc tại Cà Mau nói chung và ÐBSCL nói riêng vào cuối tháng 6, Phó Tổng Giám đốc Bảo Minh Phạm Xuân Phong thẳng thắn: Trong điều kiện có rất nhiều khó khăn bủa vây, DNBH buộc phải lựa chọn phương thức bảo đảm an toàn dòng tiền cho chính mình trước để có thể đứng vững, từ đó mới có điều kiện thực hiện công tác giúp Nhà nước thực hiện BHNN.

Nếu không thu xếp được tái BH, chắc chắn Bảo Minh không thể mạo hiểm ký HÐ với người nuôi. Theo ông Trịnh Quang Tuyến, cần phải có chính sách hỗ trợ DNBH của Nhà nước một cách cấp bách, có thể là Nhà nước hỗ trợ thêm phí tái BH để các DNBH có thêm điều kiện thu xếp, cũng có thể là Nhà nước sẽ là nhà tái BH cho chương trình.

Ðại diện Bảo Minh Cà Mau cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 1.932 HÐBH được ký kết với 31 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 1.892 hộ bình thường trên diện tích 744 ha, tổng giá trị được BH là 431,6 tỷ đồng, tổng phí BH là 32 tỷ đồng.

Trong số này, đã có 590 HÐ (gần 30%) phát sinh thiệt hại, và DN đã bồi thường được 460 HÐ với số tiền là 28 tỷ đồng, hiện vẫn còn 130 hồ sơ phát sinh chưa thẩm định kịp. Nếu tính theo số tiền yêu cầu thì tổng số tiền DNBH phải bù lỗ là hơn 10 tỷ đồng. Mấy tuần vừa rồi, toàn Miền Tây có mưa lớn bất thường, quá trình ngọt hóa dễ dẫn đến thiệt hại, khiến cho không chỉ các hộ nuôi mà DNBH cũng hết sức căng thẳng.

Ngay sau cuộc họp của Ban chỉ đạo BHNN Trung ương về tăng cường công tác quản lý rủi ro trong BHNN với năm tỉnh thí điểm bảo hiểm thủy sản đầu năm nay, Tổng CTCP Bảo Minh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên siết chặt công tác thẩm định, đánh giá rủi ro trước, trong và sau khi tiến hành ký HÐBH theo nguyên tắc làm tới đâu, chắc tới đó. Tuy nhiên, trước sức ép phải bảo đảm tính mùa vụ cho người nuôi, Ban chỉ đạo BHNN địa phương đã yêu cầu DNBH địa phương triển khai việc ký HÐBH trong khi DNBH chưa thật sự đủ điều kiện để thẩm định, đánh giá rủi ro kỹ càng từng HÐ.

Với cách làm nêu trên, chỉ trong vài tháng đầu năm, tại tỉnh Bến Tre và Cà Mau, đã có nhiều HÐBH được ký mới, trong đó, có cả những HÐ thuộc huyện Cái Nước là địa bàn đã được công bố phát sinh dịch bệnh. Ðiều này đi ngược lại nguyên tắc kinh doanh BH. Có thể chúng tôi sẽ vận động thương thảo lại một số điều khoản, quy tắc BH, và cũng có thể hủy những HÐ trái với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Thực tế thí điểm bảo hiểm thủy sản ở Cà Mau là một điển hình cho những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực thi thí điểm bảo hiểm thủy sản toàn vùng ÐBSCL. Tuy không bột phát mạnh mẽ như tại Cà Mau nhưng những vấn đề mà ban chỉ đạo BHNN địa phương, DNBH và người nuôi tôm, cá ở vùng này gặp phải là tương đối phổ biến.

Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu Nguyễn Thanh Lạc cho biết: Tuy mỗi DN có cách làm khác nhau, nhưng DN nào cũng hết lòng, hết sức vì người nuôi thủy sản, dù DN luôn thiếu người, thiếu kinh nghiệm, thiếu cả dòng vốn. Rõ ràng, việc triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm xử lý, trong đó không chỉ có trách nhiệm của DNBH, người dân tham gia bảo hiểm mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương và cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ có hiệu quả của Nhà nước.

Cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã và đang "vào cuộc". Trong một thời gian ngắn, nhiều cuộc họp với các bên liên quan đã và đang được tổ chức. Cục cũng đã tích cực liên hệ và đề nghị các đơn vị tái bảo hiểm khẩn trương xem xét, quyết định việc tái bảo hiểm. Chính quyền các cấp, các DNBH liên quan cũng đang nỗ lực hết sức để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà Chương trình thí điểm BHNN tại ÐBSCL đã đề ra.


Related news

ca-tam-la-gia-re-tren-thi-truong-khong-biet-tu-dau-ra Cá Tầm “Lạ” Giá Rẻ… loi-nhuan-cao-tu-nuoi-tom-an-toan Lợi Nhuận Cao Từ Nuôi…