Mô hình kinh tế Lợi Nhuận Cao Từ Nuôi Tôm An Toàn

Lợi Nhuận Cao Từ Nuôi Tôm An Toàn

Publish date Saturday. July 6th, 2013

Kết quả khả quan của một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gần đây cho thấy nghề nuôi tôm nước lợ sẽ thành công nếu biết đầu tư khoa học, bài bản.

Những mô hình chuẩn

Vào thời điểm này, nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam đang tiến hành thu hoạch. Nhiều mô hình đã thu được tiền tỷ chỉ sau một vụ nuôi. Đầu năm nay, gia đình ông Phạm Văn Nghĩa (thôn Thuận An, xã Tam Hải, Núi Thành) đầu tư 7 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 14.000m2. Bước vào vụ 1, ông thả nuôi với mật độ cao (300 con giống/m2). Nhờ tôm nuôi phát triển tốt, gia đình ông thu hoạch được 5 tấn tôm/ao nuôi, bán được 600 triệu đồng.

Sau khi trừ chi phí, với 7 ao nuôi ông lãi tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng. Sở dĩ ông Nghĩa nuôi tôm với mật độ cao là do hệ thống ao nuôi được trang bị tốt. Các ao nuôi đều được lót bạt chống thấm với nguồn nước lấy từ biển, đảm bảo chất lượng. Mỗi ao ông trang bị 4 quạt nước và 2 máy nén khí đặt ở đáy ao. Ông Nghĩa cho biết: “Mỗi ao nuôi tôi đầu tư hết 350 triệu đồng gồm cải tạo ao nuôi, lót bạt, mua máy sục khí, mua con giống tốt, thức ăn đảm bảo… Nhờ đầu tư bài bản nên 7 ao nuôi cho kết quả khả quan. Thu hoạch xong tôi sẽ đầu tư tiếp cho vụ mới”.

Thời gian qua, tại một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Các mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập lớn. Vụ 1-2013, ông Nguyễn Tấn Mạnh (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) đầu tư 2 ao nuôi với tổng diện tích 6.000m2, thả với mật độ cao (gần 2 triệu con giống). Cuối vụ, ông thu được 13 tấn tôm, lãi hơn 1 tỷ đồng.

Ông Mạnh nói: “Hiện tại có rất nhiều giống tôm thẻ chân trắng tràn lan trên thị trường. Chúng tôi chọn mua giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ để tôm nuôi phát triển tốt. Theo quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng được tham khảo, tôi sử dụng nhiều loại men vi sinh, vôi, khoáng chất, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất. Nhờ quản lý tốt môi trường ao nuôi nên tôm lớn nhanh, không mắc bệnh gì. Chúng tôi cũng lựa chọn mua ở các hãng bán thức ăn nuôi tôm uy tín, dù giá cao nhưng chất lượng tốt”.

Nuôi đúng quy trình

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, thời gian qua, nhờ áp dụng các quy trình nuôi bài bản, khoa học nên một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho kết quả khả quan.

Bởi vậy, nên nhân rộng việc ứng dụng khoa học-công nghệ mới trong nuôi tôm và phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi. “Thực tế đã cho thấy nuôi tôm bài bản, mật độ thả nuôi thích hợp, không sử dụng hóa chất, dùng chế phẩm sinh học… đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi. Do đó, các quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay cần phải linh hoạt với điều kiện biến đổi thường xuyên của môi trường. Có sự thích ứng cao như vậy mới hy vọng có được thành công” - bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, diễn biến nuôi tôm vụ 1-2013 đến thời điểm này cho thấy người nuôi đang gặp khó khăn nhưng cơ hội mới không phải là không có. Các hộ nuôi không nên liên tiếp thả nhiều vụ mà cần có thời gian cách ly nhất định để cải tạo kỹ ao nuôi. Khi đã thả nuôi, các nông hộ nên thường xuyên theo dõi mật độ tảo trong ao để điều chỉnh kịp thời. Cùng với đó là nên xem xét để sử dụng các nhãn hiệu chế phẩm vi sinh tốt trên thị trường.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng các mẫu kiểm tra ao nuôi thời gian qua tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh đều cho thấy mật độ vi khuẩn Vibrio dao động ở ngưỡng không an toàn. Đây là nguyên nhân gây nên một số bệnh trên tôm nuôi như gan tụy hay phân trắng...

Do đó, để nuôi tôm an toàn, người nuôi tôm cần kiểm tra hàm lượng khí độc, mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi. “Phải thường xuyên kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi để đảm bảo trong ngưỡng cho phép. Một số yếu tố môi trường như độ mặn, pH quá cao hay ôxy hòa tan thấp cũng làm cho bệnh trên tôm nuôi có điều kiện phát tán. Do đó, để nuôi đúng quy trình, người nuôi cần thực hiện các giải pháp kiểm soát Vibrio trong quá trình nuôi theo khuyến cáo và chuẩn hóa các tiêu chuẩn môi trường nuôi trong ngưỡng cho phép” - bà Yến nói


Related news

chung-quanh-viec-thi-diem-bao-hiem-thuy-san-tai-dbscl Chung Quanh Việc Thí Điểm… quan-ly-giong-thuy-san-con-nhieu-bat-cap Quản Lý Giống Thủy Sản…