Trồng lúa Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 4

Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 4

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Friday. January 19th, 2018

ĐIỀU KIỆN ĐẤT ĐAI 

1. Yêu cầu đất đai 

Nói chung, đất trồng lúa cần giàu dinh dưỡng, nhiều hữu cơ, tơi xốp, thoáng khí, khả năng giữ nước, giữ phân tốt, tầng canh tác dầy để bộ rễ ăn sâu, bám chặt vào đất và huy động nhiều dinh dưỡng nuôi cây. Loại đất thịt hay đất thịt pha sét, ít chua hoặc trung tính (pH = 5,5-7,5) là thích hợp đối với cây lúa. Tuy nhiên, muốn trồng lúa đạt năng suất cao, đất ruộng cần bằng phẳng và chủ động nước. Trong thực tế, có những giống lúa có thể thích nghi được trong những điều kiện đất đai khắc nghiệt (như: phèn, mặn, khô hạn, ngập úng) rất tốt.

2. Đất trồng lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trẻ được thành lập không quá 10.000 năm, do phù sa sông Mekong bồi đắp và do tác động của hiện tượng biển lùi. Cứ mỗi lần biển lùi, một dãy đất mới được thành lập để lại các dãy giồng cát song song với bờ biển rất điển hình ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tác động của dòng chảy của sông Cửu Long và triều biển (biển Đông với chế độ bán nhật triều và Vịnh Thái Lan với chế độ nhật triều) đã hình thành nên vùng phù sa ven sông và đất phèn từ nhẹ đến nặng tại các vùng trũng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng trũng Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Cho tới đầu thập niên 80, hơn 75% diện tích đất canh tác ở ĐBSCL đều nhờ vào nước trời, đại bộ phận đất đai cần phải được cải tạo mới có thể trồng lúa tốt được. Những năm gần đây, nhờ vào việc mở rộng các hệ thống thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ mà diện tích có thể tưới tiêu đã tằng lên đến trên 75%. 

Một cách tổng quát, có thể chia đất đồng bằng sông Cửu Long làm 4 nhóm chính (Hình 3.7):

(1) Nhóm đất mặn: chiếm khoảng 800.000 ha (21%) phân bố dọc theo bờ biển. Thiếu nước ngọt và bị nhiễm mặn vào mùa khô là hạn chế chính trong sản xuất lúa ở vùng nầy. Thêm vào đó, rừng đước bị chôn vùi lâu năm dưới lớp đất phù sa tạo nên loại đất phèn tiềm tàng và hiện tại kết hợp với mặn càng làm cho việc sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn hơn. Ở các vùng đất phù sa bị nhiễm mặn, lúa bị độc chủ yếu do sự tích lũy các ion Cl− và Na+. Ở đây chỉ trồng lúa được trong mùa mưa khi các muối độc đã được rửa trôi (nồng độ muối dưới 2 %o) và phải thu hoạch khi dứt mưa. 

(2) Nhóm đất phèn: chiếm khoảng 1,6 triệu ha (41%), với khoảng 500.000 ha (13%) phèn hiện tại và 1,1 triệu ha đất phèn tiềm tàng (28%) có pH rất thấp, tập trung ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nam sông Hậu. Ở vùng nầy, việc trồng lúa gặp trở ngại rất nghiêm trọng. Đất phèn chứa nhiều loại muối hòa tan mà thành phần chủ yếu là sulfat sắt và sulfat nhôm. Ba khu vực đất phèn chủ yếu ở ĐBSCL là vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và vùng trũng Tây Sông Hậu

Hình 3.7. Các nhóm đất chính ở đồng bằng sông Cửu Long (N.N. Đệ, 2006) 

Một cách tổng quát, trên phần lớn các loại đất phèn trồng lúa ở ĐBSCL thường 3 tầng chính: tầng A, tầng B, tầng C. 

Tầng A: còn gọi là tầng canh tác, có màu nâu đen, nhiều chất hữu cơ và các ống rễ chưa phân hủy hết, đất tơi xốp. 

Tầng B: gọi là tầng phèn, đất sét nặng, màu xám, rất dẽ chặt, có nhiều đốm rỉ (Fe2 O3) lẫn nhiều ống phèn vàng tươi (jarosite) dọc theo ống rễ hoặc đường nứt trong đất. Tầng nầy tích tụ nhiều chất được rửa trôi từ tầng A xuống nên còn gọi là tầng tích tụ

Tầng C: gọi là tầng mẫu chất hay tầng phèn tiềm tàng. Đất sét rất mềm nhão, yếm khí, màu xám xanh, có lẫn xác bả thực vật chưa phân hủy màu đen. 

Giữa các tầng có sự chuyển tiếp từ từ về màu sắc và độ mịn của hạt đất, sự hiện diện của các đốm rỉ hoặc ống phèn và chất hữu cơ. 

Căn cứ vào sự sắp xếp các tầng đất, chúng ta có thể biết được lịch sử tạo thành đất nơi đó. Tại các vùng đất ngập nước, đầu tiên xuất phát từ tầng đất giống như loại C (gọi là tầng mẫu chất) có chứa rất nhiều chất hữu cơ và chất khoáng sinh phèn (pyrite) chứa nhiều FeS2 . Khi mẫu chất (pyrite) còn ngập nước thì nó không gây độc cho cây trồng nên gọi là đất phèn tiềm tàng. Nhưng khi đất bị khô lâu ngày, pyrite bị oxid hóa trở thành các hợp chất chứa nhiều FeSO4 (jarosite), nhất là vùng dọc theo ống rễ cũ, có màu vàng tươi, pH giảm thấp khi ngập nước trở lại rất độc đối với cây trồng (hình thành tầng phèn B). Trên đất nầy cây bị độc chủ yếu do pH thấp (đất quá chua) và sự hiện diện của ion H+, Fe2+ , Al3+ với nồng độ cao: đất phèn hiện tại hay phèn cố định. 

Trong mùa khô, mực nước trong đất giảm xuống sâu tới đâu, lâu ngày các ống phèn sẽ được tạo thành tới đó, tầng B càng dày và mật độ ống phèn càng cao: đất càng phèn hơn. Đất phèn càng già, các hợp chất jarosite dần dần bị oxid hóa thành Fe2 O3, các ống phèn chuyển sang màu nâu rỉ (đốm rỉ), pH tăng lên từ từ và tính độc hại giảm dần có thể trồng lúa được. 

Các vùng đất trũng, trầm thủy hoặc thủy triều lên xuống hàng ngày, đất không có thời gian khô, thường chỉ có tầng A và C, không có tầng B: đất phèn tiềm tàng. 

(3) Nhóm đất phù sa: chiếm khoảng 1,1 triệu ha (28%) nằm ven sông Tiền và sông Hậu.  Đất phù sa là đất được hình thành và phát triển trên trầm tích biển và sông ngòi. 

Khu vực ven sông Tiền và sông Hậu, các kênh đào nước ngọt là vùng đất phù sa ngọt màu mở không bị ảnh hưởng của mặn, phèn. Tùy theo địa hình, khoảng cách từ sông rạch và mức độ phát triển của đất, người ta phân biệt đất phù sa ven sông chưa phân hóa, đất phù sa phát triển có tầng loang lỗ đỏ vàng và đất phù sa glây ở đầm lầy xa sông. Đây là vùng rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu. 

(4) Nhóm đất đồi núi và than bùn chiếm khoảng 400.000 ha (10%). Đất đồi núi tập trung vùng Bảy Núi (An Giang) và Hà Tiên, rất thích hợp cho việc trồng hoa màu, nhưng độ màu mỡ thấp, thiếu nước và dễ bị xói mòn. Đất than bùn tập trung ở vùng rừng U Minh thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Ngộ độc hữu cơ là trở ngại chính trong việc canh tác ở vùng nầy. 

Đất xám bạc màu cũng được tìm thấy ở dọc theo biên giới Kampuchia thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp và một phần Kiên Giang. 

Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của lũ hằng năm, có khoảng hơn 500.000 ha đất bị ngập sâu trong mùa lũ (trên 50 cm). 

Tóm lại, ĐBSCL với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và ít biến động trong năm, lượng bức xạ dồi dào là điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa. Tuy nhiên, do lượng mưa nhiều nhưng phân bố không đều, đất đai, địa hình phức tạp đã giới hạn năng suất lúa rất nhiều và hình thành những vùng trồng lúa khác nhau với chế độ nước, cơ cấu giống lúa, mùa vụ, tập quán canh tác rất đa dạng.


Related news

dac-diem-sinh-thai-cua-cay-lua-phan-5 Đặc điểm sinh thái của… dac-diem-sinh-thai-cua-cay-lua-phan-3 Đặc điểm sinh thái của…