Mô hình kinh tế Dừa “Chết” Vì Không Có Công Nghệ Chế Biến

Dừa “Chết” Vì Không Có Công Nghệ Chế Biến

Publish date Tuesday. June 19th, 2012

Hào hứng báo cáo diện tích dừa tăng nhanh, sản lượng tăng, rồi lại loay hoay tìm cách đối phó khi dừa rớt giá, cách ứng phó tình thế xem ra chưa làm cho người trồng dừa an tâm. Trong khi đó, hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương (APCC) đã nhiều lần gợi ý Việt Nam cần có một chiến lược phát triển rõ ràng cho ngành công nghiệp dừa, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho cây dừa.

Chủ một doanh nghiệp sống hơn 20 năm với nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa phân tích, các nước có diện tích trồng dừa lớn tập trung ở khu vực châu Á rất nhiều. So với Indonesia có đến gần 4 triệu ha dừa, Philippines có hơn 3 triệu ha, Ấn Độ gần 2 triệu ha, Sri Lanka khoảng 400.000 ha, diện tích trồng dừa của Việt Nam chỉ mới đạt gần 150.000 ha thì chưa phải là nhiều.

Nếu có thêm nhiều thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, sẽ giúp giá dừa trái ổn định.

Không phải do... khủng hoảng kinh tế

Nguồn lợi từ cây dừa ngày càng hấp dẫn nên nước nào cũng tăng diện tích trồng dừa lên. Năm nay nước nào cũng trúng mùa dừa, mà thời gian trúng mùa lại kéo dài nên sản lượng dừa trái càng nhiều, nhưng ngoài tiêu thụ nội địa, các nước đều xuất khẩu dừa trái chủ yếu sang Trung Quốc.

Dừa Việt Nam luôn được các thương nhân Trung Quốc ưu tiên mua trước, vì họ đánh giá chất lượng dừa Việt Nam ngon hơn các nước khác. Mặt khác, tính trên cùng diện tích, sản lượng dừa Việt Nam cao khi vào vụ thu hoạch, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nên dễ thu mua nhanh hơn so với các nước. Đưa tàu vào thu mua lúc đầu vụ, mới một, hai ngày đã thấy ghe chở dừa ra bán ầm ầm, thương nhân Trung Quốc đánh giá được ngay dừa ở ĐBSCL đang trúng mùa to. Đương nhiên, họ kềm giá lại từ từ, vẫn không thấy mức độ nhà vườn mang dừa đi bán giảm thì giá xuống đến mức “bán như cho”. Giá dừa trái giảm, kéo theo giá chỉ xơ dừa, cơm dừa, than gáo dừa cũng giảm theo vì nguồn thu mua chủ yếu cũng từ thương nhân Trung Quốc.

Theo nhận xét của doanh nghiệp, đó mới là nguyên nhân chính của tình hình giá dừa giảm. Chứ nói ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới tác động bất lợi đến tình hình cung cầu các sản phẩm được sản xuất từ dừa, như đánh giá của tỉnh Bến Tre trong chỉ thị về việc ổn định giá dừa trái nguyên liệu là chưa đúng.

Năng suất vượt trội

APCC đã từng đánh giá tuy diện tích trồng dừa của Việt Nam hiện chỉ gần 150.000 ha nhưng tiềm năng thu được tương đương với 1 triệu ha. Bến Tre còn đặc biệt hơn. Theo số liệu năm 2010, giá trị xuất khẩu dừa của Indonesia khoảng 940 triệu USD, trong khi riêng Bến Tre đạt 75 triệu USD với diện tích dừa chỉ bằng 1% so với diện tích trồng dừa của Indonesia. APCC cũng đã nhiều lần gợi ý Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng trong việc phát triển mạnh ngành công nghiệp dừa, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho cây dừa Việt Nam.

Thế mà đến nay, ngay ở một tỉnh có truyền thống trồng dừa như Bến Tre mà việc quy hoạch mới khởi động ở khâu phát triển diện tích dừa, chưa có bộ phận chuyên sâu theo dõi diễn biến năng suất, giá cả dừa và các sản phẩm từ dừa của các nước để có thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và nông dân. Đến khi giá dừa giảm thê thảm thì tỉnh Bến Tre mới có chỉ thị về việc ổn định giá dừa trái nguyên liệu, và sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre mới vận động nông dân không vội vàng đốn dừa vì sự khủng hoảng có chu kỳ, sẽ có lúc giá dừa được cải thiện trở lại.

Sao không đầu tư?

Một điều bất hợp lý là các cơ quan chức năng địa phương khi muốn giải quyết tình hình “dầu sôi lửa bỏng” thì vận động doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa ổn định giá mua dừa trái nguyên liệu ở mức hợp lý nhằm đảm bảo cho người trồng dừa có lãi, mà không chỉ ra được cho doanh nghiệp có thể tiêu thụ được thêm sản phẩm nào từ dừa, ở những thị trường nào.

Ông Nguyễn Văn Nhu, giám đốc công ty TNHH Sáu Nhu (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho biết xuất khẩu chỉ xơ dừa, than gáo dừa có năm giá tuột xuống vài chục USD một tấn, có năm lại tăng. Để không bị ép giá, doanh nghiệp sản xuất cần có vốn dự trữ hàng và kho đảm bảo an toàn cháy nổ. Thế nhưng, vay vốn thì lãi suất cao, dự trữ chưa chắc có lợi; hoặc có vốn nhưng chưa xây dựng được kho an toàn cũng không dám trữ.

Chỉ xơ dừa của Bến Tre những năm qua có thị trường Hàn Quốc tăng mạnh nên doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Còn than gáo dừa không muốn bán cho Trung Quốc cũng không được vì họ mua của Bến Tre 650 – 700 tấn mỗi tháng, trong khi cả một vùng ĐBSCL chỉ có một doanh nghiệp ở Trà Vinh và một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Bến Tre mua chưa bằng 10% sản lượng của họ.

Theo ông Nhu, thị trường cơm dừa sấy, dầu dừa, thảm xơ dừa, bột sữa dừa… còn rất lớn. Doanh nghiệp muốn thâm nhập nhưng vốn cho sản xuất còn chưa đủ, nên xúc tiến xuất khẩu phải có hỗ trợ từ Nhà nước.

Ấn Độ có uỷ ban Phát triển dừa đang dự định xây 5.000 quán giải khát dừa trên khắp cả nước. Các cửa hàng sẽ có màu sắc đẹp mắt và có thương hiệu với nhiều thông điệp về sức khoẻ của các loại nước giải khát được chế biến từ dừa. Ấn Độ còn có uỷ ban Chỉ xơ dừa quốc gia đang xúc tiến trên 30 cửa hàng trưng bày các sản phẩm làm từ chỉ xơ dừa để người dân địa phương biết mà mua dùng, mặt khác đưa du khách đến với các làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa. Theo uỷ ban này, đó là cách tạo thêm cơ hội thị trường để giảm sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc, bởi vì nước này nhập khẩu chỉ xơ dừa của Ấn Độ và bán lại các sản phẩm chỉ xơ dừa này trên thị trường thế giới.

Related news

nuoi-luon-khong-can-bun Nuôi Lươn Không Cần Bùn niem-tin-tu-dua Niềm Tin Từ Dừa