Tin nông nghiệp Dùng men vi sinh xử lý rơm rạ, giảm 30 - 50% phân bón hoá học

Dùng men vi sinh xử lý rơm rạ, giảm 30 - 50% phân bón hoá học

Author Minh Phúc - Tùng Đinh, publish date Monday. November 29th, 2021

Sản phẩm men vi sinh này đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công và ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà (phải) và ông Huỳnh Trung Thu, người đã ứng dụng giải pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ 8 vụ liên tục ở HTX Hà Bao Một ở An Phú (tỉnh An Giang). Ảnh: MP.

Sản phẩm khoa học đặc biệt cấp quốc gia

Sự phát triển rầm rộ của các loại chế phẩm vi sinh Trichoderma, chế phẩm EM ứng dụng trong ủ phân được đưa vào ứng dụng cho xử lý rơm rạ nhưng không đem lại hiệu quả thuyết phục do chất lượng không phù hợp khiến nông dân mất lòng tin vào giải pháp sinh học trong việc xử lý rơm rạ.

Còn ở địa phương, cán bộ triển khai năng lực hạn chế, không tự tin chịu trách nhiệm với nông dân nên không phát triển được giải pháp mới.

Trong khi đó, phân hoá học rẻ và dễ mua. Nhiều thành phần cũng được hưởng lợi từ việc nông dân tăng cường sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, nên các giải pháp sinh học ít nhiều bị cản trở phát triển.

Trên thực tế, hiện tượng chết lúa non do ngộ độc hữu cơ là mối lo lớn của nông dân, gây khó khăn cho hoạt động chăm sóc lúa, nhất là ở diện tích canh tác quy mô lớn. Do đó, đốt đồng hoặc thu rơm trở thành thói quen của không ít nông dân.

Khi đất không được cân bằng dinh dưỡng, hiện tượng thoái hóa đất do thiếu mùn hữu cơ khiến sâu bệnh phá lúa ngày càng phức tạp.

Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp – Tung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi đã từng đưa kết quả đề tài nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia mã số EM/KHCN vào sử dụng trong xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ (200 gr vi sinh EM/sào Bắc bộ ở Thái Bình), nhưng năng suất chỉ tăng 5 - 7%. Trong khi đó, phân hóa học rẻ, giúp lúa tăng năng suất lên nhanh chóng nên người dân không muốn duy trì.

Tiếp đến, chúng tôi tiếp tục sử dụng chế phẩm vi sinh EM để xây dựng mô hình xử lý rơm rạ ở một số địa điểm ở Hà Nội, nhưng cán bộ địa phương quen triển khai dùng Trichoderma. Do vậy, nhóm nghiên cứu không được ủng hộ, kết quả không được ghi nhận".

Trước những khó khăn trên, các nhà khoa học vi sinh vật hàng đầu của Việt Nam đã tuyển chọn giống từ hệ vi sinh vật đất của Việt Nam đảm bảo hiệu quả xử lý tốt trong xử lý rơm rạ và các phụ phẩm hữu cơ.

Các giống vi sinh vật có di truyền giống tốt, tương thích tốt với nhau trong hệ vi sinh vật, khả năng thích ứng tốt trong các điều kiện khắc nghiệt trong tự nhiên như: Bacillus subtillis; Bacillus licheniformis; Bacillus  megaterium; Lactobacillus acidopphilus; Lactobacillus plantarum; Steptomyces sp; Saccharomyces cereviseae…

Đa lợi ích

Việc thiết kế hệ vi sinh đặc biệt này bổ sung vào đất canh tác lúa giúp nhanh chóng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và bảo vệ chúng khỏi sốc môi trường bằng những thành phần "chất mang" đặc biệt.

Theo Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà, để sử dụng chế phẩm vi sinh trên, bà con có thể pha vào nước, lọc cặn, pha loãng theo tỷ lệ ghi trên bao bì sản phẩm. Sau đó, dùng để phun đều mặt ruộng ngay khi thu hoạch lúa hoặc trộn với đất, cát, phân ẩm rắc đều mặt ruộng và cày, lồng vùi rơm rạ nếu chưa sạ... Thậm chí, bà con cũng có thể để vi sinh vật tự phát triển và làm việc trên mặt ruộng ẩm mà không cần làm gì.

Hai cách sử dụng men vi sinh để xử lý đất và rơm rạ. Ảnh: MP.

Đối với lúa mới gieo, từ lúc gieo đến khi mạ được 3 lá, tốc độ hình thành các lá đầu tương đối nhanh, rễ phôi cũng phát triển và hình thành vài lứa rễ đầu tiên nhưng số lượng rễ chưa nhiều. Dinh dưỡng của cây mạ chủ yếu dựa vào chất dự trữ trong hạt nên chưa cần phân bón, chỉ cần môi trường đất an toàn và đủ sạch sâu bệnh.

Đối với đất đã được dùng vi sinh cải tạo nhiều vụ thì mạ lên đều, chỉ cần lồng dập rơm rạ, xử lý vi sinh ngay khi lồng dập rơm.

Sau 7 ngày, cây lúa độc lập dinh dưỡng, hệ vi sinh vật nhanh chóng chuyển hóa dinh dưỡng dễ tiêu trong rơm rạ và đất sang dạng khoáng hòa tan cho cây hấp thụ và tăng trưởng. Nhờ xử lý chế phẩm vi sinh, đã giúp vi sinhh vật hiếu khí cạnh tranh dinh dưỡng, không để cơ hội cho vi sinh vật kỵ khí trong ruộng hoạt động gây ra hiện tượng tăng pH đất và sinh ra các loại khí độc gây tổn thương rễ mạ.

Các thành phần xơ trong rơm rạ có khả năng thu hút sinh vật thủy sinh và phát triển tạo thành các ổ sinh vật thủy sinh. Đây là nguồn dinh dưỡng giàu protein cung cấp thức ăn cho lúa, nguồn các-bon từ chất xơ trong rơm rạ cũng được tự nhiên để dành và nhờ nấm, xạ khuẩn và côn trùng nhỏ ăn rác bán hoai phân giải thành khoáng hữu cơ hòa tan khi ruộng rút nước trong suốt quá trình lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông, thụ phấn và vào gạo...

Theo Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà, để nhân rộng, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ đã tạo nhóm Zalo tập hợp những người quan tâm đến giải pháp này và chia sẻ kinhh nghiệm thường xuyên. Ngoài ra, các buổi tập huấn online và offline cũng được  tổ chức miễn phí thông qua các nhóm hội ở các địa phương.

"Hi vọng rằng, sự lan tỏa theo cách truyên miệng về hiệu quả thực sự của sản phẩm sẽ giúp bà con tiếp cận với chế phẩm vi sinh của chúng tôi dễ dàng, với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình ở các địa phương để cộng đồng học hỏi nhau, chú trọng phát triển đều ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam", Thạc sỹ Hà chia sẻ.

Ông Huỳnh Trung Thu, nguyên Giám đốc HTX Hà Bao Một ở An Phú (tỉnh An Giang), người đã ứng dụng giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ liên tục 8 vụ cho hợp tác xã và nay là cho ruộng của chính gia đình mình chia sẻ: “Hiện nay, ruộng lúa thu đông của gia đình tôi đã được hơn 70 ngày, nhưng tôi chưa phải phun thuốc BVTV mà lúa vẫn rất đẹp.

Nếu xử lý rơm rạ bằng men vi sinh, sẽ trả lại hữu cơ cho đất rất tốt. Trước đây, tôi sử dụng khoảng 60 kg phân bón đa lượng/1.000m2, tuy nhiên, hiện nay giảm xuống chỉ còn 35 kg phân bón/1.000m2”.

Bên cạnh đó, ông Thu đã lấy mẫu gạo gửi đi test tại Cần Thơ, cho thấy chất lượng gạo rất tốt, không có dư lượng thuốc BVTV, mẫu mã hạt gạo đẹp...

Theo Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà: Kết quả của đề tài nghiên cứu đặc biệt cấp Quốc gia EM/KHCN (1997-2000) đang phát huy hiệu quả trong việc cung cấp giải pháp xử lý phế phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp này nhanh chóng được triển khai ứng dụng diện hẹp ở các liều lượng và quy mô lớn nhỏ và được ứng dụng diện rộng tại các mô hình ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với quy mô trên 50 ha (50 ha tại An Giang, 120 ha tại Thanh Hóa, 160 ha tại Thái Nguyên).

Kết quả thu được sau khảo sát mới nhất như sau: Giảm phân hóa học tổng hợp từ 30 - 50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng. Khả năng giảm đến 50% phân bón hóa học là rất tốt trên tất cả các mô hình để lại 100% rơm tại ruộng để xử lý và kết hợp với sạ thưa hơn.

Về giảm thuốc BVTV: Giảm được 30 - 50% tùy thói quen phun phòng sâu bệnh của địa phương. Cá biệt có nơi không còn phải dùng đến thuốc BVTV (Ninh Bình, Hải Dương). Một số vùng có thói quen dùng đến 9 lần thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn 2 - 3 lần phun.

Theo Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà, các giá trị khác thu được như giá bán lúa đã được thị trường chấp nhận mua cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch, sức khỏe người nông dân tăng tỉ lệ thuận với mức độ giảm thuốc BVTV trong chăm sóc lúa...


Related news

thu-nghiem-kinh-tri-tue-nhan-tao-ho-tro-cac-nha-san-xuat-trai-cay Thử nghiệm kính trí tuệ… xu-ly-rom-ra-thanh-phan-bon Xử lý rơm rạ thành…