Tin thủy sản Giải pháp đột phá cho nuôi trồng thủy sản

Giải pháp đột phá cho nuôi trồng thủy sản

Author Minh Thanh (Tổng hợp), publish date Monday. March 2nd, 2020

Để xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản thịnh vượng cho tương lai, nhiều giải pháp và hướng đi đã được đặt ra; hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này.

TS Mark Lyons, CEO Alltech: Công nghệ là chìa khóa

Theo dự báo của FAO, chúng ta cần phải tăng sản lượng lương thực từ 25% lên 70% mới có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho 8 đến 9 tỷ cư dân toàn cầu vào năm 2050. Con số này đủ khiến ngành sản xuất lương thực choáng ngợp và có thể nản chí nhưng ngành thủy sản thì không. Tôi tin rằng những công nghệ mới của ngành thủy sản liên tục ra đời và được ứng dụng thành công sẽ là đòn bẩy giúp ngành nắm chắc tương lai trong tầm tay. Chỉ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao là ngành thủy sản có khả năng thắng mọi mục tiêu đề ra. Điều quan trọng nhất, chúng ta có sẵn sàng đầu tư nghiêm túc hay không. Những tập đoàn lớn như Alltech đã và đang đầu tư sâu rộng vào lĩnh vực nghiên cứu song song xây dựng các liên minh nghiên cứu cùng nhiều công ty trên toàn thế giới. Do đó, Alltech cũng đạt những bước tiến vượt bậc về công nghệ chăn nuôi chỉ trong thời gian ngắn và hỗ trợ ngành chăn nuôi tại nhiều nước trên thế giới.

TS Albert Tacon, Chuyên gia dinh dưỡng thủy sản: RAS và cá biển

Sản lượng thủy sản nuôi của toàn thế giới hiện đã vượt sản lượng khai thác tự nhiên. Do hầu hết các vùng nước ven biển đều thuộc sở hữu công, nên trong một tương lai không xa, ngành nuôi trồng thủy sản sẽ buộc phải tiến ra khơi xa hoặc chuyển vào đất liền dưới các dạng mô hình RAS. Ngành nuôi trồng thủy sản đã ghi nhận đột phá trong khâu nuôi một số loài thủy sản quan trọng và phần lớn các loài nuôi phổ biến nhất thế giới hiện nay đều là giống nước ngọt. Dần dần, nông dân sẽ nuôi tôm trong các hệ thống bể khổng lồ làm bằng chất liệu plastic để đảm bảo an toàn sinh học. Mặc dù, ngành nuôi trồng thủy sản ở phương Tây thời gian gần đây đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng vị trí dẫn đầu của châu Á vẫn không thay đổi, với đóng góp 91% sản lượng thủy, hải sản cho toàn cầu. Làn sóng nuôi trồng thủy sản dâng cao sẽ là giải pháp cho cả hai vấn đề được cho là gây áp lực lớn nhất toàn cầu hiện nay là khủng hoảng nạn đói và béo phì. Người tiêu dùng tại các nước châu Á như Nhật Bản ăn rất nhiều cá và hải sản nên có tuổi thọ cao hơn nhiều nơi khác; ngược lại, người dân phương Tây, như châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ lại có tỷ lệ tiêu thụ thủy sản thấp, thường mắc chứng bệnh béo phì và tuổi thọ ngắn hơn.  

Gorian Nikolik, Chuyên gia phân tích kinh tế nông nghiệp, Rabobank: Đầu tư trong chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản đang làm tốt hơn mọi lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp dưới góc độ tỷ suất lợi nhuận gộp. Ngành tôm vẫn sẽ luôn dẫn đầu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản , mặc dù ngành này đang phải đối mặt nhiều rủi ro dịch bệnh nghiêm trọng hơn ngành nuôi các loại cá vây. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ tôm nội địa tăng cao, nhiều nước nuôi tôm đã dần chuyển sang nhập tôm. Thái Lan từng là nguồn cung tôm lớn nhất thị trường Bắc Mỹ, nhưng nay Ấn Độ đã chiếm vị trí của Thái Lan còn Trung Quốc cũng trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới. Các xu hướng tương lai đôi lúc không thể dự đoán hoặc rất khó đoán; nhưng tôi dám chắc, các loại chất kháng khuẩn gốc hữu cơ (biocide), vaccine và những chất thay thế khác cho kháng sinh sẽ trở thành công nghệ quyền năng. Ngoài ra, nuôi cá ngoài khơi và RAS tiếp tục là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn tiếp theo trên thị trường nuôi trồng thủy sản và các hãng chế biến thức ăn cần phải sản xuất những loại thức ăn đặc biệt cho cá biển và hệ thống RAS. Sau cùng, Trung Quốc sẽ cần phải hiện đại hóa ngành nuôi trồng thủy sản của họ, giống như Mỹ và châu Âu đã từng làm.

TS Philip Lyons, Alltech Coppens Aqua Centre:  Đòn bẩy từ R&D

Trung tâm nghiên cứu All-Coppens là một minh chứng điển hình, được phát triển ban đầu bởi Coppens International, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về nhiều loại cá nhưng tập trung sâu vào cá tầm, cá trout, cá da trơn châu Phi, lươn, cá chép, rô phi và cá hồi. Các nghiên cứu của trung tâm đều đã được ứng dụng trong thực tế với nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi. Nghiên cứu còn tạo điều kiện thúc đẩy sự cải tiến toàn ngành thức ăn chăn nuôi. Trước đây, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ chú trọng đến protein, lúa mỳ, chất béo và bột cá; nhưng nay, họ lại hướng mục tiêu trọng tâm vào các loại protein dễ tiêu hóa, năng lượng dễ tiêu hóa, cân bằng AA, DHA và EPA. Nói riêng về ngành dinh dưỡng, xu hướng chủ đạo trong tương lai sẽ vẫn dồn vào AA dễ tiêu hóa và cân bằng, carbonhydrates dễ tiêu hóa, năng lượng thuần, bền vững, axit béo chức năng, enzyme chức năng, microbiome và khoáng hữu cơ. 


Related news

anh-huong-cua-muc-nuoc-va-thuc-an-den-tang-truong-cua-ca-tre-phi Ảnh hưởng của mực nước… nhung-buoc-tien-vuot-bac-trong-che-bien-thuy-san Những bước tiến vượt bậc…