'Giải phóng' hạt gạo: Đã cởi trói vẫn còn vướng hàng rào
Xuất khẩu gạo là một thế mạnh của Việt Nam nhưng hoạt động ngành này lại đang bị kìm kẹp bởi nhiều quy định, điều kiện không cần thiết. Bộ Công Thương đã công bố bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo - quy định từng bị phàn nàn là gây khó DN. Nhiều DN không giấu nổi niềm vui, song còn băn khoăn rằng nếu chưa gỡ khó một số điểm Nghị định 109 thì vẫn là câu chuyện “mở cửa nhưng chưa trổ cổng”.
Trong ảnh: Xuất khẩu gạo đang được tháo dần các rào cản
“Vậy là chúng tôi sắp có cơ hội tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp rồi”, ông Võ Quốc Định, giám đốc Công ty TNHH Đại Hưng, một DN kinh doanh chế biến gạo ở Tiền Giang, mừng rỡ khi nghe tin Bộ Công Thương bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo.
Cụ thể, theo Quyết định của Bộ Công Thương, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Định tâm sự: "DN tôi hiện không có giấy phép xuất khẩu gạo trực tiếp vì không có đủ điều kiện về nhà máy xay xát, kho chứa,... Nếu bỏ được những quy định như vậy sẽ thuận lợi cho DN".
Giám đốc một DN khác cho hay: “Những năm trước có một số khách hàng cũng tìm đến để đặt hàng chúng tôi xuất khẩu trực tiếp. Nhưng vì không có giấy phép nên tôi cũng từ chối luôn, còn nếu mượn giấy phép để xuất khẩu gạo thì vừa phải có “hoa hồng” cho người ta, cũng nguy hiểm cho mình. Cho nên chúng tôi không làm được”.
Vì thế, vị này cũng không giấu nổi niềm vui khi hay tin Bộ Công Thương bước đầu “cởi trói” cho DN tham gia xuất khẩu gạo.
Ông Phạm Trọng Nhường, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang cho rằng: Việc bãi bỏ bớt các điều kiện khắt khe về kinh doanh xuất khẩu gạo là rất cần thiết và động thái của Bộ Công Thương là có dấu hiệu tích cực
“Đừng phân biệt DN nhỏ hay lớn bằng cách đặt ra các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Dù họ lớn hay nhỏ, nếu họ có khách hàng, bán được, đảm bảo chất lượng, khách hàng chịu mua thì cho họ xuất khẩu. Còn nếu quy định phải bán được bao nhiêu gạo mới cho xuất khẩu thì trong nước mấy DN đáp ứng được điều kiện đó đâu”, ông Nhường chia sẻ.
Theo ông Nhường, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là chạy theo số lượng, mà phải đi vào chất lượng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. “Campuchia gạo xuất khẩu với giá 1.600 USD/tấn, trong khi đó gạo của Việt Nam chỉ mấy trăm USD/tấn”, ông Nhường nói và mong muốn chính sách cần phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, bình đẳng, tránh cá lớn nuốt cá bé.
Vẫn còn băn khoăn
Dù Bộ Công Thương đã bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, nhưng điều đó không có nghĩa các rào cản với DN đã được bỏ hoàn toàn.
Doanh nghiệp mong muốn được tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, nhà nghiên cứu chính sách độc lập, nhận xét, do điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại Nghị định 109 vẫn còn nguyên. nên DN vẫn phải đáp ứng các quy định về kho chứa, máy xay xát... thì mới được xuất khẩu.Theo các DN, Nghị định 109 áp dụng từ năm 2011 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn hiệu lực. Kinh doanh xuất khẩu gạo cũng là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cho nên DN vẫn phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này mới được tham gia xuất khẩu gạo.
Một DN tư nhân cách đây mấy năm từng liên tục phàn nàn chuyện gặp khó trong xuất khẩu gạo nhận định: Nghị định 109 - thẩm quyền thuộc cấp cao hơn là Chính phủ. Chúng tôi mong Bộ Công Thương sẽ cùng các đơn vị chức năng khác nghiên cứu đề xuất Chính phủ gỡ khó trong thời gian tới đây”, vị giám đốc DN này nói.
Trả lời PV.VietNamNet liên quan đến Nghị định 109, đại diện Bộ Công Thương cho hay sẽ thành lập tổ công tác nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.
“Bộ đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu đề xuất thành lập tổ công tác nhằm nghiên cứu, lấy ý kiến của cơ quan chức năng về nghị định 109 để trình Thủ tướng xem xét quyết định, tinh thần chung là tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho DN tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo”, vị đại diện này cho biết.
Ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ: “Cá nhân tôi cho rằng xuất khẩu gạo không cần thiết là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng giờ khi xuất khẩu gạo đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư rồi, thì để tránh sửa luật, chỉ còn cách vận động để hạ thấp 'điều kiện' xuống.
“Nếu thực sự Bộ Công Thương muốn thay đổi, thì dù cho xuất khẩu gạo có nằm trong luật vẫn 'lách' về kỹ thuật được. Bộ có thể đề xuất giảm bớt các điều kiện. Ví dụ trước đây quy định DN phải có 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc thì nay giảm còn 100 tấn chẳng hạn... Như thế có thể hóa giải được rào cản của luật, tạo điều kiện cho DN tham gia xuất khẩu gạo”, ông Đồng góp ý.
Dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam về con số 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2016, tương ứng thành tích năm 2015, đã không đạt.
Điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường. Năm 2010, xuất khẩu gạo Việt luôn đạt lượng khoảng 6,3-7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch 2,7-3,3 tỷ USD. Gạo luôn là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 sau thủy sản, cà phê.
Năm 2013, xuất khẩu gạo có dấu hiệu tiêu cực và giảm sút từ đó đến nay.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao