Tin nông nghiệp Phát triển nuôi dê ở vùng đồng bằng

Phát triển nuôi dê ở vùng đồng bằng

Author Trần Cát Linh, publish date Tuesday. January 10th, 2017

Phát triển chăn nuôi theo hướng đa con phù hợp với điều kiện của từng địa phương là mục tiêu của ngành chăn nuôi của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Trong ảnh: Mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở Triệu Long, Triệu Phong. - Ảnh: Trần Cát Linh

Những năm qua, các địa phương ngoài phát triển số lượng các vật nuôi truyền thống như bò, lợn, gà, vịt... còn chú trọng phát triển các vật nuôi mới hoặc các vật nuôi đã có từ lâu nhưng chưa phát triển, không chỉ làm phong phú các loài vật nuôi trên địa bàn mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế như mô hình nuôi vịt trời, dê, lợn rừng..., góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế.

Các mô hình chăn nuôi mới đã mở ra nhiều triển vọng giúp nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Không có thế mạnh như vùng gò đồi có các rừng cây bụi thấp, một số địa phương ở vùng đồng bằng thấp trũng cũng thử nghiệm chăn nuôi dê nhốt chuồng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Triệu Phong, các xã như Triệu Long, Triệu Sơn... đã phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng cho hiệu quả cao.

Sau nhiều năm chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống như lợn, gà, đầu năm 2014, chị Trương Thị Hữu ở thôn Phù Lưu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong quyết định chăn nuôi thêm dê theo hình thức nhốt chuồng để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Chỉ sau 6 tháng nuôi, chị Hữu đã nhận thấy nuôi dê có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại vật nuôi khác mà gia đình đã từng nuôi là sinh đàn nhanh, thời gian xuất chuồng ngắn, giá thịt dê cao nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Với số vốn đầu tư ban đầu 15 triệu đồng, chị Hữu mua 6 con dê giống. Chỉ sau 6 tháng nuôi, 5 con dê cái đã sinh sản thêm 10 con dê con. Dê con sau 6 tháng tuổi là bước vào tuổi sinh sản. Cứ thế việc phát triển đàn dê của gia đình chị Hữu tăng rất nhanh.

Đến nay, sau nhiều lứa xuất bán, đàn dê của gia đình chị Hữu đã phát triển lên 40 con. Dê trưởng thành sinh sản trung bình mỗi năm 2 lứa; mỗi lứa thường đẻ 1- 2 con. Dê con nuôi 4 đến 6 tháng có thể xuất bán. Thị trường dê thịt và dê giống đều ổn định ở mức cao. Giá thịt dê hơi hiện nay từ 120- 150 ngàn đồng/kg nên nguồn lợi đưa lại từ nuôi dê khá tốt. Bình quân mỗi năm gia đình chị Hữu có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi dê được khoảng 50 triệu đồng. Chị Trương Thị Hữu cho biết: “Nuôi dê dễ hơn nuôi các loại vật nuôi khác. Ít tốn công, ít dịch bệnh. Nhu cầu tiêu thụ thịt dê trên thị trường nội tỉnh khá nhiều nên dê nuôi không đủ bán. Các nhà hàng đến đặt hàng mua dê tận nhà. Tôi thấy nuôi dê hiệu quả, nên tiếp tục đầu tư nuôi”.

Dê là động vật ăn tạp, có thể nuôi với mật độ cao, đầu tư thấp nhưng sinh lời nhanh, tỷ lệ lợi nhuận cao, kỹ thuật chăm sóc dê cũng không phức tạp nên rất phù hợp với nông dân ở tất cả các vùng, miền, đặc biệt là ở các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở vùng đồng bằng thường hiếm thức ăn hơn các vùng gò đồi nên việc nuôi dê nhốt chuồng và trồng các cây lấy lá cho dê ăn đang được người dân quan tâm triển khai thực hiện.

Trong khi việc nuôi các loài con nuôi truyền thống của nông dân trên địa bàn như lợn, bò, gia cầm thường bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, giá cả thất thường, đầu ra thiếu ổn định thì chăn nuôi dê đang hạn chế được những rủi ro này. Do đó, phát triển đàn dê theo quy hoạch và phù hợp với điều kiện của từng địa phương là một trong những hướng tốt về phát triển chăn nuôi để góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết: “Hiệu quả kinh tế về nuôi dê đã được khẳng định qua thực tế. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với cấp trên tổ chức tập huấn chuyển giao con giống, khoa học kỹ thuật. Hội Nông dân xã cũng sẽ kiến nghị với Hội Nông dân tỉnh, huyện để hỗ trợ cho nông dân vay vốn. Đồng thời, khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình nhằm chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và cải thiện thu nhập cho nông dân”.

Tuy nhiên, để phát triển đàn dê bền vững, từng địa phương phải rà soát quy hoạch chăn nuôi để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Về phía người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê từ khâu làm chuồng cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông đến việc theo dõi phối giống và phòng trị bệnh để đảm bảo đàn dê khỏe mạnh, phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc phát triển nhân rộng mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở vùng đồng bằng đang là hướng đi mới có hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất của tỉnh. 


Related news

giai-phong-hat-gao-da-coi-troi-van-con-vuong-hang-rao 'Giải phóng' hạt gạo: Đã… lam-rau-an-toan-gan-voi-gmp-vietgap Làm rau an toàn gắn…