Tin thủy sản Hàng nội vẫn chật vật vào siêu thị ngoại

Hàng nội vẫn chật vật vào siêu thị ngoại

Author Phương Đông - Viễn Thông, publish date Wednesday. August 17th, 2016

Hiện nhiều đại gia ngành bán lẻ như Aeon, Lotte, Emart… đang thể hiện rõ tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam thông qua việc chạy đua mở rộng hệ thống siêu thị.

Tuy nhiên, điều này không tỉ lệ thuận với cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food cho biết, mặt hàng thủy sản đông lạnh vào siêu thị ngoại chịu mức chiết khấu rất cao (từ 10 đến 20%) và cứ sau mỗi năm tái ký lại đề nghị tăng thêm 0,5-2%.

Trong khi đó, con số này đối với hệ thống siêu thị nội địa đều dưới 10%.

Ngoài ra, việc các hệ thống siêu thị ít chia sẻ thông tin thị trường và thời gian phản hồi chào hàng mới chậm trễ cũng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.

Bà Lâm ví dụ, nếu như các hệ thống siêu thị nội địa xét duyệt cho đăng ký mã hàng mới gọn lẹ thì các hệ thống nước ngoài có thể ngâm đến 6 tháng.

Siêu thị nội cũng thay đổi giá cho các nhà cung cấp nhanh hơn, vào khoảng 30 ngày.

Trong khi đó, quy tắc của siêu thị ngoại là phải từ 45 đến 90 ngày.

Thực tế thì có khi đến tận 120 ngày.

Không riêng Saigon Food, các doanh nghiệp khác hoạt động trong ngành thực phẩm cũng than phiền gặp không ít rào cản và chèn ép khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị ngoại.

Bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc tiếp thị Công ty CP Thực phẩm Cholimex cho biết, làn sóng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tấn công thị trường Việt Nam kéo theo hàng loạt thương hiệu ngoại đến với người tiêu dùng, khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp đang gồng mình trả các khoản phí tăng tùy tiện theo từng năm như mở mã hàng, thuê quầy kệ và thưởng doanh số… Các khoản phí “không chính thức” dành cho nhân viên siêu thị cũng được tính đến nếu muốn hàng hóa được ưu tiên xuất kho và có vị trí trưng bày đẹp.

“Việc loại bỏ sản phẩm nội địa được thực hiện rất hợp lý nhưng thực tế là cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ, hệ thống siêu thị Metro luôn ưu tiên bán hàng Việt trong thời gian đầu mới khai trương, nhưng về sau thì loại bỏ dần để thay thế bằng sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc”, bà Châu nói.

Đại diện một thương hiệu sữa tươi sạch nhận định, cung ứng hàng trong siêu thị có những quy định khắt khe khiến doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc rất nhiều để duy trì kênh phân phối này.

Đơn cử như việc nhà cung cấp không thể đa dạng hóa sản phẩm của mình vì khi kê khai một sản phẩm mới thì phải loại bỏ một mã hàng cũ, hay việc để chương trình khuyến mãi được giới thiệu trên bản tin khuyến mãi yêu cầu mức chiết khấu từ 12% trở lên khiến doanh nghiệp khá e dè.

“Nhà phân phối nên có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã gắn bó cung ứng lâu dài.

Doanh nghiệp cung ứng càng lâu thì chiết khấu lại càng cao thì đó là điều không công bằng.

Đáng lẽ ra phải được ưu ái ngược lại”, bà Lê Thị Thanh Lâm bộc bạch.

Ở góc độ của các nhà phân phối, đại diện một số hệ thống siêu thị cho rằng, các doanh nghiệp hàng nội địa nên xem lại khả năng cạnh tranh của mình về giá, độ ổn định của chất lượng và mẫu mã so với hàng ngoại.

Dù là hệ thống khá thân thiện với hàng Việt nhưng đại diện Sài Gòn Co.op cũng thẳng thắn kết luận, nhiều nhà cung cấp đang không trực tiếp sản xuất mà gia công tại cơ sở khác, sản xuất chủ yếu thủ công hoặc bán thủ công nên chất lượng hàng hóa, bao bì không ổn định, dễ hư hỏng.

Nhà cung cấp vừa và nhỏ thì ít quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, chất lượng cho phù hợp với xu thế phát triển.

Có khi còn chưa nắm rõ các thông tư, nghị định như: barcode, tem nhãn hàng hóa...

Theo ông Lee Jong Kook, Tổng giám đốc Tập đoàn Lotte Việt Nam, doanh nghiệp phải sớm giải quyết được những điểm yếu cơ bản là việc chậm nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường và bao bì, mẫu mã kém hấp dẫn mới mong sản phẩm có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập ngoại.

Cũng đồng quan điểm về vấn đề mẫu mã, bà Cao Thị Ngọc Dung – Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam kể lại: “Có mấy lần tôi đi xuống các tỉnh, nhiều chị em làm bánh giới thiệu sản phẩm và cứ nghĩ là sản phẩm mình đẹp nhưng thật ra tôi thấy không đẹp.

Chúng ta chưa quan tâm đến làm bao bì.

Ví dụ như cái bánh Mochi của Nhật Bản, họ làm mẫu mã và bao bì rất đẹp, ai đi ngang nhìn cũng muốn mua hết.”

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Quy mô của thị trường bán lẻ hiện đại dự báo sẽ vào khoảng 180 tỷ USD vào thời điểm đó.


Related news

sau-mua-lu-hon-60-tan-ca-long-mat-trang Sau mưa lũ, hơn 60… ngu-dan-yen-tam-bam-bien-nho-bao-hiem-tro-luc Ngư dân yên tâm bám…