Tin nông nghiệp Hiệu quả từ mô hình nuôi bồ câu pháp

Hiệu quả từ mô hình nuôi bồ câu pháp

Author NAM VIỆT, publish date Thursday. May 26th, 2016

Trước khi nuôi bồ câu Pháp, chị Vân đã có nuôi thử nghiệm một số con vật nuôi đặc sản. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá đầu tư con giống cao, lại hay bị dịch bệnh nên vợ chồng chị đã không tiếp tục đầu tư. Sau khi nghiên cứu mô hình nuôi bồ câu Pháp trong sách, báo, truyền hình và học tập kinh nghiệm các trang trại nuôi bồ câu Pháp ở một số địa phương cũng như tìm hiểu thị trường tiêu thụ, nhận thấy đây là một mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của địa phương, năm 2013 vợ chồng chị đã vào Quảng Ngãi mua 20 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp giá 300 nghìn đồng.

Trong quá trình thử nghiệm, nhận thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, không bị dịch bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là gạo xay bóc vỏ, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, người dân có nhu cầu sử dụng cao, anh chị quyết định phát triển mô hình này. Vợ chồng chị đã mở rộng thêm diện tích, phát triển đàn từ 20 cặp giống ban đầu; trại bồ câu của gia đình chị được thiết kế nuôi theo hướng công nghiệp, khép kín, với diện tích chỉ 50m2, kết các dãy lồng bằng lưới mắt cáo, cứ một lồng là đôi trống mái...

Theo chị Vân, chim bồ câu rất dễ nuôi, bất cứ hộ gia đình nào cũng nuôi được, chim có sức đề kháng cao, từ khi gia đình chị nuôi đến nay chưa có hiện tượng bị bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi, đuôi nhọn; chọn từ những con bố mẹ khỏe mạnh, đẻ nhiều. Bên cạnh đó, người nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường và theo dõi sự phát triển của đàn chim từ lúc đẻ, ấp trứng cho đến lúc trưởng thành. Nếu được chăm sóc tốt mỗi cặp bồ câu bố mẹ có thể đẻ 9-10 lứa/ năm. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên đàn bồ câu của gia đình chị phát triển nhanh chóng. Với 20 cặp giống ban đầu, hiện vợ chồng chị có đàn bồ câu bố mẹ 400 cặp, đã thu hồi số vốn bỏ ra mua giống, xây dựng chuồng trại, hàng năm gia đình chị thu lãi gần 120 triệu đồng.

Chị Vân cho biết: “Bên cạnh cung cấp bồ câu giống thì hiện nay chim bồ câu Pháp được tiêu thụ không chỉ ở các nhà hàng trên địa bàn tỉnh, chợ huyện, chợ Đông Hà mà còn cung cấp cho người dân ở địa phương dùng cho đám cưới, các lễ, tiệc…nên đầu ra khá ổn định. Theo giá thị trường hiện nay, chim thịt (15 ngày tuổi) giá 80 - 120 ngàn đồng/cặp; chim giống (60 ngày tuổi trở lên) có giá từ 250 - 300 ngàn đồng/cặp”. Chị Vân dự định sẽ làm lồng nuôi, nhân thêm số lượng trong thời gian tới vì nhu cầu thị trường còn rất lớn.


Related news

tien-giang-trien-vong-tu-mo-hinh-nuoi-vit-bien Tiền Giang triển vọng từ… het-canh-duoc-mua-doi-cho-nho-trong-rau-an-toan Hết cảnh được mùa, dội…