Tin nông nghiệp Ì ạch chuyển lúa sang màu giậm chân tại chỗ và đi lùi

Ì ạch chuyển lúa sang màu giậm chân tại chỗ và đi lùi

Author Huỳnh Xây, publish date Wednesday. January 6th, 2016

LTS: Nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang màu, Chính phủ đã có Quyết định số 580/QĐ-TTg (QĐ 580) về việc hỗ trợ tiền cây giống.

Quyết định này có hiệu lực từ 22.2.2014, tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện chính sách vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chuyển đổi chậm vì tiêu thụ khó

Đến nay, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi được 2.974ha, trong đó diện tích chuyển đổi trong năm 2015 là 2.075ha.

Phần lớn diện tích lúa được chuyển sang trồng bắp (ngô), rau các loại, dưa hấu, đậu phộng (lạc)… cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với trước khi chuyển đổi.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cho biết, diện tích chuyển đổi trên còn quá thấp so với 9.000ha diện tích lúa kém hiệu quả.

Nguyên nhân do sản xuất màu còn khó tiêu thụ, bảo quản không được lâu sau thu hoạch nên chưa thu hút người nông dân tham gia.

Bà Thạch Thị Liên ngụ ở ấp Định Phú C, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, cho biết, để được hưởng chính hỗ trợ về giống thì người dân phải trồng những cây màu có trong danh sách quy định sẵn.

Trong khi đó, những cây trên rất khó tiêu thụ, đặc biệt là với diện tích lớn.

Mặt khác, giá bán các loại sản phẩm này cũng không cao, phụ thuộc lớn vào thị trường.

Cùng nhận định như bà Liên nên ông Sơn Canh (ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang) vẫn “bám” cây lúa, không chuyển đổi sang trồng màu.

“Tôi có gần 1,2ha đất trồng lúa, lợi nhuận không lớn (khoảng 1,8-2 triệu đồng/1.000m2), nhất là vụ đông xuân gặp nhiều khó khăn về nước tưới, nhưng gia đình tôi vẫn quyết bám lấy cây lúa vì dễ trồng, dễ bán” – ông Canh cho biết.

Về việc thực hiện QĐ 580 trên địa bàn huyện, ông Lê Văn Phi – Phó phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang cho hay: Đến nay, toàn huyện chỉ chuyển được trên 968ha.

Trong đó, chủ yếu là chuyển một phần diện tích lúa sang trồng luân canh 1 lúa 1 màu hoặc 2 lúa 1 màu, rất ít diện tích chuyển hẳn sang màu.

“Chỉ một số nơi đất cao, thiếu nước mới chuyển hẳn sang làm màu” – ông Phi thông tin.

Cũng như ông Phi, ông Đinh Vũ Đạt - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiểu Cần phân tích, lý do nông dân chưa mặn mà chuyển từ đất trồng lúa sang màu là do đầu ra bấp bênh, chưa có chính sách bao tiêu.

Hơn nữa, việc trồng màu đòi hỏi nhân công lao động lớn.

Vì vậy, ở địa bàn huyện phần lớn người dân chỉ chuyển đổi ở mức vài công (1.000m2)/hộ.

Không riêng gì tỉnh Trà Vinh, theo phóng viên tìm hiểu, ở các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL như Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang...

người dân vẫn thờ ơ với chính sách chuyển đổi vì nhiều nguyên nhân.

Ông Trần Thái Nghiêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền (Cần Thơ) giải thích: “Mặc dù chính sách đưa ra hay, có lợi ích, nhưng khi triển khai thực tế thì còn gặp khó.

Cụ thể, đối với cây ngô, ngành chức năng vận động được nhưng đầu ra cho người dân thì vô cùng khó khăn.

Lợi nhuận từ việc trồng ngô có thể chỉ bằng với trồng lúa vì giá bán thấp, chi phí đầu tư cao”.

“Các doanh nghiệp thu mua ngô cho rằng giá trong nước cao hơn ngoài nước nên thường xuyên hạ giá khiến người trồng ngô nản lòng.

Toàn huyện có 3.500ha đất lúa nhưng chỉ mới chuyển được trên 550ha” – ông Nghiêm nói.

Chuyển ngược từ cây màu sang lúa

  Theo tìm hiểu của NTNN, việc chuyển đổi từ lúa sang màu ở ĐBSCL chậm còn do rất nhiều năm, người dân đã quen với tập quán canh tác đối với cây lúa.

Do đa phần nông dân thiếu vốn, thiếu  kỹ thuật và điều quan trọng là ngán nhất cảnh được mùa, mất giá thường xuyên diễn ra...

Thông tin từ ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay nhiều diện tích lúa chuyển sang màu đã chuyển ngược lại trồng lúa.

“Việc chuyển đổi từ lúa sang màu thực sự được ít.

Hiện một số diện tích đã trồng lúa trở lại” – ông Đào Xuân Nha – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thông tin.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, việc chuyển đổi từ đất lúa sang màu cũng không thực hiện triệt để.

Giống nhiều địa phương khác, phần lớn diện tích lúa nơi đây không chuyển hẳn sang cây màu mà làm luân canh lúa-ngô hoặc lúa–tôm.

Hiện người dân đã không còn mặn mà với cây ngô mà ưu tiên trồng lúa nhiều hơn bởi nhiều lý do.

“Có tình trạng người dân chuyển sang trồng màu đã trồng lại lúa vì trồng màu cực hơn, khâu cơ giới hoá khó khăn.

Trồng ngô hiện không có lãi, giá bán không cao, không ổn định.

Nếu so sánh thì cây lúa vẫn hiệu quả hơn, ăn chắc hơn cây ngô.

Hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh cũng đã đáp ứng đủ cho trồng lúa, người dân vẫn còn chủ động nước tưới với loại cây trồng truyền thống này” – ông Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu nói.

Còn theo bà Phan Thị Thu Sương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, khó khăn trong việc triển khai QĐ 580 là chi phí đầu tư để chuyển đổi sang cây trồng khác cao hơn so với trồng lúa.

Trong điều kiện sản xuất cây màu như hiện nay, ở tỉnh Bến Tre chưa thực hiện được các khâu cơ giới hoá nên đòi hỏi nhiều lao động thủ công. 


Related news

ca-phe-rung-la-kho-canh-vi-phan-bon-dom Cà phê rụng lá, khô… nong-dan-dinh-don-phan-bon-gia-nhieu-chieu-tron-tranh-trach-nhiem Nông dân dính đòn phân…