Tin thủy sản Khắc phục hiện tượng stress trên cá

Khắc phục hiện tượng stress trên cá

Author Lê Loan, publish date Saturday. February 19th, 2022

Stress là hiện tượng thường gặp trong NTTS. Khi bị stress, cá sẽ giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, người nuôi cần tìm hiểu và nắm rõ các nguyên nhân cũng như chủ động phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại.

Tác động

Stress là nguyên nhân chính làm mất đi lớp nhầy của cá. Chất nhầy (lớp chất nhờn) là rào cản vật lý đầu tiên ức chế sự xâm nhập của sinh vật gây bệnh từ môi trường vào cá. Nó cũng là một rào cản hóa học, có chứa enzyme và các kháng thể có thể giết chết sinh vật gây bệnh xâm nhập. Chất nhầy cũng bôi trơn cá, giúp chuyển động của chúng dễ dàng trong nước và quan trọng đối với sự điều hòa áp suất thẩm thấu. Stress gây hại thầm lặng cho cá và nó khiến cá dần dần bị rối loạn trao đổi chất, dẫn đến mất khoáng, giảm hấp thu dưỡng chất. Từ đó, cá chậm lớn, còi cọc dễ nhiễm bệnh và nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến giảm năng suất và sản lượng thu hoạch.

Một số nguyên nhân dẫn đến stress trên cá như: Thay đổi thời tiết, khí hậu: thời tiết nắng gắt kéo dài, trời âm u, mưa nhiều ngày…; thay đổi thức ăn đột ngột; nuôi ghép; vận chuyển, nuôi nhốt: quá trình vận chuyển con giống…; thả cá không đúng cách và thả vào thời điểm không thích hợp; mật độ nuôi quá dày khiến môi trường sống trong ao nuôi không đảm bảo; dùng kháng sinh hoặc xử lý hóa chất không đúng liều lượng ảnh hưởng đến môi trường nước; chất lượng nước kém: thiếu ôxy, pH cao, khí độc H2S, NO2, NH3 vượt ngưỡng, chất rắn lơ lửng, hàm lượng kim loại cao…; cá bị bênh do nhiễm vi khuẩn, virus…

Dấu hiệu

Khi bị stress, dấu hiệu đầu tiên có thể nhận thấy là cá dần dần tách ra khỏi đàn và bơi riêng lẻ, lờ đi nơi khác. Cá không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Một số con ở phần gốc vây sẽ xuất hiện những vết xung huyết, cá bỏ ăn và phản ứng chậm chạp hơn thường ngày.

Xử lý

Sau khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy cá bị stress, lập thay nước mới cho ao nuôi. Sử dụng các biện pháp sục khí để tăng cường hàm lượng ôxy cho ao. Bổ sung đầy đủ Vitamin C bằng cách trộn cho cá ăn hoặc tạt vào nước. Cùng đó, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, tạo môi trường trong sạch cho cá.

Phòng tránh

Thực hành quản lý tốt là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh hiện tượng stress. Vì vậy, ngay giai đoạn chuẩn bị ao, cần tẩy và dọn ao nuôi kỹ trước khi thả cá, bón vôi CaCO3 hoặc Ca(OH)2, phơi ao để diệt mầm bệnh.

Cá mua về phải biết rõ nguồn gốc, không bị nhiễm các mầm bệnh. Cá mới bắt về phải được cách ly kiểm dịch. Chọn cá giống khỏe mạnh.

Kiểm soát tốt quá trình vận chuyển ở cá bởi trong thời gian vận chuyển cá luôn bị stress do quãng đường từ ao ương đến ao nuôi thịt xa và đồng thời môi trường nước vận chuyển không tốt, điều đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá. Theo kết quả của một nghiên cứu cho thấy cá tra giống luôn bị stress trong môi trường vận chuyển, đặc biệt là với mật độ cao trong khoảng thời gian dài. Do đó, nên vận chuyển cá ở mật độ thấp 3.000 con/m3 với thời gian dài hơn 2 giờ, nếu vận chuyển trong thời gian ngắn hơn 2 giờ thì có thể vận chuyển với mật độ cao (Đỗ Thị Thanh Hương và cộng sự, 2014). Trước khi thả nuôi, tắm cá bằng muối 3% để sát trùng vết thương do vận chuyển.

Cho cá ăn vừa đủ, tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nước. Thức ăn đảm bảo số lượng và chất lượng trong khẩu phần. Bổ sung các loại vitamin trộn vào thức ăn để phòng chống hiện tượng stress khi thay đổi thời tiết, khí hậu, thời tiết nắng nóng, lúc chuyển mùa…

Ngăn chặn các loài chim hoang dã và chim ăn thịt làm hại cá. Sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau. Không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh. Mùa hè cần che chắn cho ao cá để hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ.

Xử lý môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ pH của nước ao. Nếu pH<7, bón 2 kg vôi/100 m3 nước, pH từ 7 – 8,5 bón 1 kg vôi/100 m3, sử dụng định kỳ 2 – 4 lần/tháng. Pha nước vôi loãng tạt đều ao nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

Trộn kháng sinh cho cá ăn vào những thời điểm giao mùa hoặc trước khi vận chuyển cá. Sử dụng Sulfamerazine liều lượng 220 mg/kg cá/ngày hoặc Oxytetracycline, liều 75 mg/kg cá/ngày, cho ăn kéo dài trong vòng 7 – 10 ngày.

Khi cá yếu hoặc có dấu hiệu bệnh (thường xảy ra khi thay đổi môi trường nuôi), ngâm cá với Oxytetracycline liều lượng 10 g/100 lít nước, ngâm liên tục từ 5 – 7 ngày. Trong quá trình điều trị không nuôi nhốt cá ở mật độ quá cao và ngưng cho ăn trong vài ngày.

Trong quá trình nuôi hạn chế tối đa các biện pháp có thể gây sốc cá. Giảm thiểu số lần cá được đưa lên khỏi mặt nước và thao tác phải càng nhanh càng tốt khi chuyển cá. 


Related news

cach-cho-tom-an-hieu-qua-khi-nhiet-do-xuong-thap Cách cho tôm ăn hiệu… thay-the-protein-bot-ca-bang-protein-thuc-vat-trong-thuc-an-tom Thay thế protein bột cá…