Mô hình kinh tế Khôi Phục Diện Tích Nuôi Tôm Sau Dịch Bệnh Tại Xã Vĩnh Thành (Quảng Trị)

Khôi Phục Diện Tích Nuôi Tôm Sau Dịch Bệnh Tại Xã Vĩnh Thành (Quảng Trị)

Publish date Wednesday. May 21st, 2014

Những người nông dân nuôi tôm ở xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn thường nói: Nuôi tôm là đánh một canh bạc không cân sức với sự may rủi, bởi nông dân nuôi tôm cũng như canh tác trên một xí nghiệp ngoài trời, phụ thuộc phần nhiều vào thiên nhiên.

Năm 2013, ở xã Vĩnh Thành, toàn bộ diện tích gần 60 ha mặt nước nuôi tôm của 113 hộ dân đã gần như mất trắng bởi dịch bệnh. Trong thời gian này, khi chuẩn bị vào một vụ nuôi tôm mới, công tác xử lý khử trùng hồ nuôi được nông dân tích cực triển khai.

Chỉ tay ra đồng tôm khi bóng những người nông dân đang thực hiện những công tác làm vệ sinh và xử lý hồ tôm ẩn hiện, ông Phạm Xuân Á, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản khu A Vĩnh Linh phân trần: “Cả một vùng nuôi tôm này, năm trước tôm chết trắng, bởi bệnh gọi là “hội chứng gan tụy”.

Toàn bộ 58,9 ha nuôi tôm chỉ có 2,8 ha là có thể thu hoạch, sản lượng cả vụ tôm trên toàn xã chỉ có đạt 5,9 tấn”. Được biết, đây là vùng nuôi tôm rộng nhất nhì huyện Vĩnh Linh, nông dân của các xã như Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Hiền… đều có diện tích nuôi tôm ở đây. Năm nay, người nuôi tôm lại bắt đầu một mùa nuôi tôm mới với rất nhiều hy vọng nhưng cũng lắm phấp phỏng, âu lo.

Ông Phạm Trọng Sáng, thôn Tân Trại, xã Vĩnh Thành là một trong những hộ có diện tích mặt nước nuôi tôm lớn nhất và cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ tôm năm 2013.

Vừa ngơi tay khi đang phát cỏ trên bờ hồ, ông Sáng cho biết: “Gia đình tôi có 6,4 mẫu nước nuôi tôm, diện tích hồ nuôi mà gia đình tôi sở hữu không nhất thì cũng nhì vùng này. Năm 2013, gia đình tôi thả nuôi hơn 90 vạn tôm sú, nguyên tiền giống, tiền xử lý hồ đã ngót nghét gần 200 triệu đồng.

Nhưng khi tôm sắp đến kỳ thu hoạch thì gần như 90% diện tích nuôi tôm của gia đình bị bệnh “hội chứng gan tụy” tấn công, tôm chết trắng, vớt vát những gì còn sót lại gia đình vẫn thiệt hại 300 triệu đồng”. Ông Sáng cho biết thêm, không riêng gì năm 2013, trong năm 2012 gia đình ông cũng đã lỗ hơn 100 triệu khi mất mùa tôm.

Nhưng “mất ruộng lấy bờ”, năm nay gia đình ông Sáng lại tiếp tục đầu tư mở một đợt nuôi mới. Người đàn ông này đã không dám trả lời về số tiền mà mình nợ ngân hàng. Sau một lúc im lặng, ông chỉ trả lời: “Cũng đến hàng trăm triệu chú à”.

Dù muốn hay không, những người nông dân như ông Sáng đầu tư cho nuôi tôm đều phải đi vay ngân hàng, thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, đất vườn, rồi cả đất hồ tôm cũng được thế chấp để vay vốn, tiếp tục một vụ nuôi tôm mới hàng năm.

Ông Sáng nói: “Nguyên nhân của bệnh “hội chứng gan tụy” là do vi rút, nên để phòng trừ bệnh gia đình tôi đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ ao nuôi, dùng vôi bột cũng như clorin để xử lý ao, phơi nắng để tiêu diệt mầm bệnh trong ao.

Năm nay, khi mọi người rục rịch chuẩn bị tiêu độc, khử trùng hồ tôm thì gia đình tôi đã thả lứa mới. Ngày 17/3, tôi vừa mua 60 vạn tôm thẻ chân trắng để thả lứa mới trên gần 1 ha mặt nước, đầu tư ban đầu vào con giống hết 42 triệu đồng”.

Hiện toàn xã Vĩnh Thành có 58,9 ha nuôi tôm. Trước đây, nuôi tôm từng là giải pháp thoát nghèo cho không ít hộ dân, đồng thời là một thế mạnh mà không phải vùng nào cũng có được.

Ông Lê Minh Dục, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết: Những diện tích nuôi tôm ở xã Vĩnh Thành trước đây chủ yếu là ruộng lúa có năng suất thấp. Từ năm 2001, UBND xã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây lúa chuyển đổi sang nuôi thủy hải sản, đến năm 2004 mới tiến hành triển khai nuôi tôm rộng rãi.

Toàn bộ diện tích nuôi tôm của xã cho thu nhập trên 20 tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình trong xã nhờ vào đồng tôm mà có cuộc sống khấm khá, xây được nhà, mua được xe. Nhưng từ năm 2012, đặc biệt là năm 2013 tôm bị bệnh nhiều, những đối tượng gây hại khiến tôm chết hàng loạt là các loại bệnh như hội chứng gan tụy, bệnh đầu vàng, đốm trắng…, xuất hiện khi thời tiết diễn biến phức tạp và do nguồn nước không đảm bảo.

Được biết, khi dịch bệnh đã xuất hiện trên diện rộng thì rất khó để có thể dập dịch, nên công tác phòng chống dịch bệnh ngay từ lúc ban đầu rất quan trọng.

Ông Lê Minh Dục cho biết thêm: Trong thời gian này, khi vào vụ tôm mới, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, chính quyền xã cũng như Ban quản lý HTX nuôi trồng thủy sản khu A Vĩnh Linh đã tích cực tư vấn, chỉ đạo người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh khi mùa nuôi bắt đầu, bởi đây là yếu tố cốt tử quyết định đến chất lượng và hiệu quả của vụ nuôi tôm.

Hiện nay, ở xã Vĩnh Thành, gần như 100% ao hồ nuôi đang được người dân xử lý tiêu độc khử trùng chuẩn bị vào một vụ nuôi mới.

Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh thì trong vụ tôm năm nay, đối với các hồ nuôi tôm trước đây đã từng bị bệnh và kể cả không bị dịch bệnh, bà con cần dùng vôi bột, thuốc khử trùng để xử lý hồ tôm, tổ chức diệt chuột, dọn dẹp cỏ dại, phơi ải hồ trong một thời gian nhất định để đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh. Bên cạnh đó, bà con cũng cần chủ động xử lý nguồn nước một cách kỹ càng tránh để dịch bệnh tái phát trở lại.

Nuôi tôm là một hướng đi có hiệu quả kinh tế cao trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiện nay. Nhưng để khôi phục nuôi mới đối với những diện tích tôm trước đây bị bệnh một cách bền vững trong thời gian dài, người dân rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành về nguồn vốn ưu đãi cũng như sự đầu tư về khoa học kỹ thuật trong sản xuất để có được một vụ nuôi tôm thắng lợi.


Related news

ca-lau-kinh-sat-thu-voi-ve-mat-cuoi Cá Lau Kính Sát Thủ… de-ca-ngu-dai-duong-tro-thanh-san-pham-chien-luoc Để Cá Ngừ Đại Dương…