Mô hình kinh tế Kỹ Thuật Vệ Sinh, Sát Trùng Chuồng Trại

Kỹ Thuật Vệ Sinh, Sát Trùng Chuồng Trại

Publish date Tuesday. March 4th, 2014

Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm gần đây cũng như hiện tại, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm H5N1, H7N9… đã và đang liên tục phát sinh, phát triển lây lan gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi, ngành chăn nuôi về kinh tế cũng như về con người, xã hội và môi trường sinh thái. Một trong ba nguy cơ dẫn đến xẩy ra dịch bệnh trong chăn nuôi đó là môi trường chăn nuôi không an toàn.

Vì vậy, để hưởng ứng và góp phần thực hiện tốt Tháng tiêu độc khử trùng thực hiện trên toàn quốc từ ngày 22/2/2014 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người chăn nuôi và cộng đồng, chúng tôi xin giới thiệu một số yêu cầu kỹ thuật về công tác vệ sinh, sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi như sau:

1. Đối tượng vệ sinh, tiêu độc sát trùng:

- Chuồng trại chăn nuôi và tất cả các vật dụng, thiết bị chăn nuôi.

- Các vật dụng, phương tiện vận chuyển ra vào...

2. Thời gian thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng.

- Quyét dọn, thu gom sạch sẽ trong và ngoài chuồng trại hàng ngày.

- Thời điểm không có dịch bệnh: Định kỳ 2 tuần hoặc 1 tháng tiến hành phun thuốc tiêu độc sát trùng 1 lần.

- Khi có dịch bệnh: Thực hiện phun tiêu độc 2 lần/tuần, thực hiện liên tục đến lúc hết dịch.

- Sau mỗi lứa xuất bán phải tiến hành vệ sinh, sát trùng tiêu độc và để trống chuồng trên 1 tuần mới tiến hành tái nuôi mới.

3. Yêu cầu đối với việc sát trùng:

- Người chăn nuôi cần lựa chọn thuốc có phổ khử khuẩn rộng (tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh), phù hợp với đối tượng tiêu độc khử trùng, ít độc hại với con người và môi trường.

- Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh phun trực tiếp lên mình vật nuôi.

- Người sử dụng phải biết về mối nguy hiểm của mầm bệnh và thuốc sát trùng, sử dụng đầy đủ các bảo hộ lao động khi làm việc, tuân thủ tốt các bước tiêu độc khử trùng.

4. Nguyên tắc vệ sinh sát trùng:

- Phải làm sạch cơ học (làm sạch phân và các chất bẩn) trước khi sát trùng.

- Phải thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng từ khu vực sạch đến khu vực bẩn.

- Chỉ dùng thuốc sát trùng sau khi đã làm sạch bề mặt…

- Sau khi phun thuốc phải để khô hoàn toàn mới sử dụng.

5. Các bước thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng.

a/. Đối với chuồng trống.

+ Bước 1: Làm sạch chuồng trại

- Thu gom toàn bộ phân, chất thải để ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các loại chế phẩm sinh học trong trường hợp không có dịch bệnh, hoặc chôn sâu lấp đất 0,5m – 1m trong trường hợp có dịch bệnh. Làm sạch bụi, màng nhện trên trần, chuồng nuôi…

- Dùng nước sạch cọ rửa toàn bộ nền, vách, tường, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi sau đó dùng xà phòng hoặc muối NaHCO3 với nồng độ 2-3% pha vào nước để rửa. Sau 1-2 giờ bề mặt đã khô ráo thì chúng ta tiến hành phun thuốc sát trùng.

+ Bước 2: Phun thuốc sát trùng.

Thuốc sát trùng được phun làm ướt đẫm bề mặt theo thứ tự sau:

- Trần, vách ngăn, tường theo chiều từ trên xuống. Sau đó phun thuốc trên nền chuồng, máng ăn, máng uống …

- Trước khi nuôi trở lại tiến hành tiêu độc khử trùng lần thứ 2 tương tự như trên. Sau ít nhất 12 giờ mới tiến hành thả nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng.

b/ Đối với dụng cụ chăn nuôi:

- Thu dọn vật dụng chăn nuôi ra khỏi chuồng. Dùng nước rửa sạch dụng cụ trước khi sát trùng;

- Ngâm máng ăn, máng uống trong dung dịch thuốc sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Các dụng cụ không thể rửa hoặc phun thuốc sát trùng thì có thể xông bằng hỗn hợp Formol + KMnO4.

c/ Đối với phương tiện vận chuyển:

- Bao gồm các đối tượng: xe vận chuyển thức ăn, thiết bị chăn nuôi thì thu gom, quét sạch phân rác, chất thải trong xe và rửa bằng nước sạch, xà phòng, chất tẩy rửa;

- Phun thuốc sát trùng diện tích sàn, thành xe (cả trong và ngoài), sau thời gian ít nhất 60 phút mới xếp hàng hóa lên xe.

d/ Tiêu độc khử trùng đối với chuồng đang nuôi gia súc, gia cầm:

- Yêu cầu chọn thuốc sát trùng không gây kích ứng da cho gia súc, gia cầm và người tiếp xúc.

- Tính thể tích của chuồng nuôi cần tiêu độc: (dài x rộng x cao)

- Dùng bình xịt có áp lực để phun thuốc sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

e/ Tiêu độc khử trùng đối với nguồn nước sử dụng:

- Tháo hết nước cũ còn trong bể đã bị nhiễm bẩn, rửa bể bằng nước sạch và tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ thể tích của bể bằng dung dịch Cloramin B nồng độ từ 2 - 3%. Sau 60 phút thì rửa lại bằng nước sạch và bơm nước mới vào bể.

Trên đây là một số yêu cầu kỹ thuật quan trọng đối với công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Kính mong mọi người quan tâm, thực hiện tốt để mang lại hiệu quả tối ưu nhất trong công tác chăn nuôi của mình.


Related news

tieu-doc-khu-trung-bao-ve-dan-vat-nuoi Tiêu Độc, Khử Trùng Bảo… benh-trang-la-mia-va-bien-phap-quan-ly Bệnh Trắng Lá Mía Và…