Mô hình kinh tế Lãi hàng tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao

Lãi hàng tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao

Author Thùy Dung, publish date Tuesday. March 20th, 2018

Việc xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao mặc dù yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công rất cao, lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững.

Lãi hàng tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay mô hình nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao của anh Đặng Thanh Tân (sinh năm 1978) ở khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Trên diện tích 4 ha (bao gồm 2 ha nuôi thả và 2 ha xây dựng hồ xử lý nước), năm 2017, chỉ sau 3 vụ tôm/năm, anh Tân đã thu hoạch được hơn 50 tấn tôm thương phẩm, tương đương hơn 8 tỷ đồng, thu về lợi nhuận trên 3 tỷ đồng. 

Năm 2013, xuất phát từ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn, cùng với kinh nghiệm lâu năm của gia đình trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, anh Đặng Thanh Tân đã mạnh dạn đấu thầu 4 ha đất nông nghiệp để đào ao đất nuôi tôm. 

Mặc dù mô hình nuôi tôm trong ao đất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa trên cùng một diện tích đất canh tác, tuy nhiên, do nuôi bằng hình thức thâm canh nên càng về sau diện tích nuôi tôm của gia đình anh càng cho hiệu quả thấp do những ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên như thời tiết, dịch bệnh… 

Sau quá trình tìm hiểu và nhiều lần tham quan, học hỏi các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên khắp cả nước, cuối năm 2015, gia đình anh Tân quyết định cải tạo lại khu nuôi, xây dựng lại hệ thống ao theo mô hình ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước, cho ăn tự động… 

Anh Đặng Thanh Tân cho biết, để áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, người nuôi tôm phải đầu tư xây dựng ao nuôi có diện tích phù hợp, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao phụ trợ như ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng…

Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu nuôi phải xử lý triệt để môi trường nuôi bằng công nghệ vi sinh, giúp tôm có sức đề kháng cao hơn, hạn chế dịch bệnh. 

Anh Tân khẳng định, lợi thế lớn nhất của việc nuôi tôm theo hình thức ứng dụng công nghệ cao chính quy trình nuôi được khép kín, người nuôi chủ động kiểm soát được môi trường nuôi nên hạn chế đến mức tối đa được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh ngay từ khi bắt đầu thả đến hết quá trình nuôi. Ngoài ra, mật độ nuôi cũng dày hơn so với nuôi trên ao đất. 

"Nếu như với cách nuôi truyền thống trong ao đất gia đình tôi chỉ thả được 50 - 70 con giống/m2 thì với mô hình nuôi tôm công nghệ cao tôi có thể thả được từ 150 - 200 con/m2. Tỷ lệ rủi ro tôm chết là rất thấp và tôm thương phẩm sau khi thu hoạch đạt trọng lượng lớn từ 40 - 50 con/kg. Đồng thời với công nghệ nuôi mới, người nuôi phải sử dụng men vi sinh thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh, do đó hạn chế được không chỉ dịch bệnh mà còn cho sản phẩm tôm đảm bảo sạch, an toàn về chất lượng”, anh Tân nói. 

Hiện nay, mô hình nuôi tôm của anh Đặng Thanh Tân áp dụng công nghệ cao do đó cải tiến được nhiều kỹ thuật và giảm được chi phí trong quá trình sản xuất. Theo đó, toàn bộ khu nuôi được thiết kế 3 ao lớn, gồm ao ương giai đoạn 1, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, anh còn xây dựng khu vực xử lý nước có diện tích bằng diện tích khu nuôi (2ha). 

Anh Tân cho biết, do áp dụng nhiều công nghệ cải tiến nên trên cùng một diện tích nuôi thả, mô hình của anh tiết kiệm được nhiều chi phí như giảm lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm do có hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học, giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt. 

Bên cạnh đó, nếu nuôi tôm theo hình thức truyền thống, người nuôi còn phải cho tôm ăn theo cách thủ công, tuy nhiên nuôi theo hình thức công nghệ cao cho ăn bằng máy tự động nên tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn tan lãng phí trong nước, giảm được công lao động mà tôm lại phát triển nhanh và đồng đều hơn.

Sau khi thay đổi phương thức nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mô hình nuôi tôm mới của gia đình anh Tân cho hiệu quả cao hơn hẳn so với nuôi tôm trong ao đất. Mỗi vụ thả nuôi có thời gian bằng nhau nhưng so với cách nuôi truyền thống trong ao đất, nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất, chất lượng tôm cao hơn hẳn. 

Thời gian tới, anh Tân tiếp tục có hướng mở rộng diện tích nuôi trồng và ứng dụng thêm nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo được hiệu quả tối ưu. 

Đến thăm mô hình của anh Đặng Thanh Tân, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá cao tính tối ưu và hiệu quả của mô hình trong điều kiện nuôi trồng thủy sản hiện nay ở Ninh Bình nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung.

Việc xây dựng mô hình này mặc dù yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công rất cao, lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững. 

Nhận thấy đây là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, ông Nguyễn Tiến Thành cũng đề nghị địa phương nghiên cứu, nhân rộng cho người dân, đặc biệt ưu tiên các vùng chuyên canh nuôi tôm để khuyến khích người dân thay đổi phương thức nuôi thả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao hơn./.


Related news

nuoi-ca-loc-trong-veo-tuy-cuc-nhoc-song-moi-nam-lai-600-trieu-dong Nuôi cá lóc trong vèo… kiem-tien-ti-nho-nuoi-ech-trong-nha-kinh Kiếm tiền tỉ nhờ nuôi…