Làm Giàu Trên Lưng “Tử Thần”
Ở Phú Vang, rất nhiều người biết đến ông Võ Diên (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An Phú Vang - Thừa Thiên Huế) – người dám biến vùng đất đầy bom mìn, lau sậy thành hồ nuôi trồng thủy sản.
Tôi biết ông Võ Diên qua lời giới thiệu của lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh về mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Diên không những đi đầu trong phong trào nuôi tôm, cá xen ghép mà còn giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều ngư dân ở địa phương cũng như các xã lân cận.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm ngư nghiệp, sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cá tự nhiên ở đầm phá, năm 1964, ông Diên lập gia đình, cuộc sống khó khăn chồng chất, lo chạy cơm từng bữa.
Một lần được người quen giới thiệu nghề buôn hải sản, trong đó cua là đối tượng chính. Không ngại khổ, sau ngày giải phóng, ông Diên trở thành tư thương buôn cua từ đất Mũi ra tận Lạng Sơn. Ông Diên nhớ lại: “Năm 1995, sau một lần bán cua ở Lạng Sơn, vừa bán xong cả vốn và lời 350 triệu đồng đã bị kẻ gian cướp mất. Lúc đó, tôi nghĩ dại chỉ muốn chết thôi. Bởi số tiền đó là của bạn hàng, giờ mất rồi lấy đâu ra tiền mà trả... Lúc đó, người thân khuyên tôi về quê làm nghề khác có tiền trả nợ dần. Thế là tôi về quê làm ăn và hứa với những bạn hàng sẽ trả nợ và cũng được họ đồng ý. Với tôi còn chữ tín là còn tất cả”.
Về quê nhà, từ hai bàn tay trắng, ông Diên vay 40 triệu đồng san ủi 3,3ha đất ở thôn Tân Mỹ để nuôi trồng thủy sản. Trước năm 1975, vùng đất này bị Mỹ chiếm đóng, toàn lau sậy cao quá đầu người và bom mìn dày đặc. Dẫu vậy năm 1995, tôi vẫn khai canh đưa vào nuôi 2 hồ tôm sú. Do chưa có kinh nghiệm, những năm đầu tôm nuôi thường xuyên bị bệnh và chết. Nợ chồng nợ. Những năm tiếp theo, tôi tiếp tục nuôi, năm thì hòa vốn năm thì lỗ. Không nản chí, đến năm 2000, tôi mạnh dạn chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến xen ghép tôm và cá, lãi thu được 20 triệu đồng, ông Diên kể.
Từ thành công ban đầu, ông Diên tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 4 hồ nuôi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong nuôi trồng như chọn giống, cách chăm sóc… nên hiệu quả mang lại không cao. Không nản chí, ông Diên vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ cán bộ thủy sản, giảng viên khoa Thủy sản (Trường đại học Nông Lâm Huế). Trời không phụ công, vụ nuôi tiếp theo cho lãi trên dưới 50 triệu đồng. Theo đà đó, không những vụ nuôi nào cũng có lãi, mà lãi của năm sau cao hơn năm trước.
Ông Diên bật mí: “Nuôi tôm, cá mang lại hiệu quả cao hay không cũng còn phụ thuộc vào người nuôi. Thay vì mua 1 vạn tôm giống qua ương 30 ngày với giá 1,2 triệu đồng thì mình mua 5 vạn tôm “post” có giá chỉ 1 triệu đồng để thả nuôi. Tỷ lệ chết khoảng 30% thì cũng còn hơn 3 vạn. Với lại, tôm phải thả vào ban đêm, bởi khi đó cá ngủ, không ăn tôm. Tôm thả nuôi sau một đêm thì đã quen với môi trường, cá khó ăn được”.
Hiện, mỗi năm ông Diên thả nuôi 20 vạn tôm “post”, 4 vạn cá đối, 1 vạn cá dìa và 1 vạn cua. Thả gối vụ quanh năm, ngày nào cũng có tôm, cá mang ra chợ bán. Vùng đầm phá này có nhiều rong, tảo tự nhiên làm thức ăn cho cá, tôm và cua nên trong quá trình nuôi, chi phí thức ăn không đáng là bao. Sản lượng thu hoạch mỗi năm bình quân 5 tạ tôm, 5 tạ cua và 1 tấn cá các loại, cho lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Không bằng lòng với những gì mình đang có, ông Diên còn mở nhà hàng “An Ten Quán” để giới thiệu các sản phẩm mình làm ra cho người dân ở địa phương. Tiếng lành đồn xa, nhà hàng đã được thực khách ở xa biết đến với nhiều món thủy hải sản tươi ngon, giá mềm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao