Mô hình kinh tế Liên kết sản xuất nếp còn nhiều bất cập

Liên kết sản xuất nếp còn nhiều bất cập

Publish date Saturday. May 2nd, 2015

Thương lượng giá không thành

Chuỗi liên kết từ sản xuất và tiêu thụ nếp ở Phú Tân được khởi động cách đây 1 năm do Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Tín Thương (Công ty Tín Thương, trụ sở phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư.

Đây là 1 trong 4 dự án cho vay thí điểm của Chính phủ nhằm thực hiện một hình thức mới trong liên kết sản xuất mà ở đó, có sự gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Tổng hạn mức tín dụng được duyệt cho 4 chuỗi liên kết này là 350 tỷ đồng, trong đó Công ty Tín Thương được xét cấp hạn mức tín dụng 25 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện chuỗi.

Vụ đông xuân 2014 – 2015 là vụ thứ 2 Công ty Tín Thương ký hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Phú Thượng và Tổ hợp tác (THT) Phú Thành. Vụ này, tổng diện tích được ký hợp đồng là 517 héc-ta (THT Phú Thành là 250,81 héc-ta, số còn lại là HTXNN Phú Thượng).

Theo kế hoạch ban đầu, Công ty Tín Thương sẽ đầu tư vật tư nông nghiệp cho ND sản xuất. Song, do hai bên chưa thống nhất được chủng loại vật tư sử dụng cũng như đơn giá cung ứng nên đã dẫn đến tình trạng công ty không thể cung ứng vật tư đầu vào cho ND. Cuối cùng, hai bên đồng ý thực hiện theo phương thức: Tín Thương sẽ ứng vốn cho ND mỗi héc-ta 5 triệu đồng để ND chủ động mua vật tư sản xuất.

Theo báo cáo của Công ty Tín Thương, đến nay, tổng số tiền công ty đã ứng cho ND là 2 tỷ 585 triệu đồng. Tổng diện tích được ký kết theo hợp đồng ban đầu 517 héc-ta nhưng khi triển khai thu mua chỉ được 26,5 héc-ta. “Công ty chỉ mua cho “lấy có” chứ chưa hết lòng hợp tác với ND.

Bởi đã qua 2 vụ mà hợp đồng hợp tác vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm túc. Nguyên nhân là chưa thương lượng được giá mua, chưa có cơ sở để xác định giá nào là giá thực của thị trường, giá nào là giá ảo do ND kết hợp với tư thương làm giá” – ông Phan Văn Gul, Tổ trưởng THT Phú Thành, bức xúc.

Hẹn ngày cắt dài ra

Bà Lê Thị Hoàng Trinh, Phó Giám đốc Công ty Tín Thương cho biết, thương lái bên ngoài đã “làm giá” bằng cách tổ chức mua nếp của một vài hộ với giá cao hơn giá thị trường từ 300 – 400 đồng/kg, ND dựa vào đó để yêu cầu công ty phải mua theo giá thương lái đã mua. Nếu mua theo giá này thì công ty sẽ lỗ nên không thể triển khai được.

Qua theo dõi sự việc, chúng tôi được biết, ngày 10-4-2015, Công ty Tín Thương đã cử đại diện xuống kết hợp với THT Phú Thành để xem đồng, mua được 26,5 héc-ta với giá 4.950 đồng/kg. Song, bước sang ngày thứ hai, giá nếp được công ty điều chỉnh xuống thấp hơn ngày đầu là 100 đồng/kg đối với giống CK92, còn giống CK2003 chỉ còn 4.800 đồng/kg. Giá giảm, nông dân không bán nếp cho công ty mà để lại bán cho thương lái bên ngoài dự án.

“Khi công ty mua tới giá thị trường thì một vấn đề khác lại phát sinh là công ty hẹn ngày thu hoạch nếp trễ hơn so với thời gian sinh trưởng từ 5 – 7 ngày. Bà con nông dân sợ nếp ở ngoài đồng chín rục, dễ bị cháy nên đành phải kêu máy thu hoạch” – ông Trần Văn Minh, Tổ viên THT Phú Thành, bức xúc.

Trong báo cáo giải trình của Công ty Tín Thương gởi UBND tỉnh ngày 15-4, ông Trần Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết, vụ đông xuân này, sở dĩ công ty không mua được nếp của nông dân HTXNN Phú Thượng là do phía HTX đã gởi thông báo đến công ty quá cận ngày thu hoạch (theo hợp đồng, bên B phải gởi thông báo ngày thu hoạch nếp bằng văn bản hoặc điện thoại cho bên A ít nhất 15 ngày trước khi thu hoạch để bên A sắp xếp phương tiện, nhân lực thu mua).

Từ không thỏa thuận được giá đến hẹn ngày thu hoạch cũng không xong đã gây ra quá nhiều phiền hà cho cả hai phía khi tham gia thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ là gắn sản xuất với tiêu thụ. Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, cho rằng, để DN và ND hợp tác được với nhau thông qua “Cánh đồng lớn”, cần trở lại cái gốc của vấn đề là xác định cho được giá thị trường.

Giá này được xác định dựa trên cơ sở nào để vừa mang tính khách quan, vừa hài hòa lợi ích của các bên. “Hai bên cần ngồi lại với nhau trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan để giải quyết. Cần soạn lại hợp đồng một cách chi tiết hơn và phải thể hiện cho được sự bình đẳng từ hai phía” – luật sư Phước đề nghị.


Related news

khoai-lang-tim-nhat-kho-ban Khoai lang tím Nhật khó… nam-rom-giam-gia Nấm rơm giảm giá