Tin thủy sản Mã hóa, định vị đến từng ao nuôi cá tra

Mã hóa, định vị đến từng ao nuôi cá tra

Author Hữu Đức - Ngọc Thắng, publish date Tuesday. October 8th, 2019

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số, truy xuất nguồn gốc.

Cá tra thu hoạch từ vùng nuôi có kiểm soát. Ảnh: HĐ.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết trong 2 năm qua ở ĐBSCL triển khai thực hiện cấp mã số mỗi ao nuôi cá tra. Đến nay phần lớn diện tích các ao nuôi đã được mã hóa. Người nuôi cá tra và doanh nghiệp cho đây là điều kiện cần bắt buộc.

Điều kiện cần có

Đến giữa tháng 8/2019, theo Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, phần lớn diện tích ao nuôi cá được Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số. Hoạt động nghề nuôi cá cho thấy đang vào nề nếp.

Theo kế hoạch SX từ đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ trên từng ao nuôi, từ tiến độ thả giống, số ao nuôi sắp thu hoạch. Nguồn gốc cá tra được chứng minh nuôi trong môi trường có kiểm soát tạo niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nói: Điều kiện đầu tiên cơ sở có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi phải đạt chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao.

Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận. Cơ sở ương dưỡng giống nếu nhập cá bột, nguồn từ cơ sở nào phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống được các hộ nuôi cá hay DN thu mua thương phẩm sau này căn cứ theo đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc tầm soát nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

Trên từng ao nuôi cá giống được cấp mã số. Ông Hải cho biết, dự kiến đầu năm 2020 mỗi ao nuôi cá giống hay cá thương phẩm sẽ được định vị. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi cá theo hợp đồng liên kết với DN, đầu vụ chủ hộ nuôi cá tra đều phải báo số lượng cá giống đã thả, kể từ ngày giờ. Phía công ty sẽ cân đối kế hoạch thu mua theo thời điểm thu hoạch cá đạt kích cỡ (size) tùy theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách tại các trạm thủy sản liên quận - huyện cập nhật diễn tiến số liệu về thả giống, quá trình nuôi và thu hoạch.

Cung cách làm ăn mới

Trong nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm tyuwf sản xuất tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hàng ngàn hộ nuôi cá tra đã bắt tay hợp tác với nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng: Dân nuôi cá tra thương phẩm muốn tránh và giảm thấp rủi ro cần có sự liên kết với DN. Sau hơn 20 năm nuôi cá, 10 năm đầu tôi nuôi theo hợp đồng cung ứng với công ty Hùng Vương và 10 năm gần đây tôi chuyển qua hợp tác liên kết với công ty Sao Mai - IDI. 

Về phía công ty IDI có yêu cầu bắt buộc nuôi cá tra đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, theo đó đòi hỏi ao nuôi phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản, có cấp mã số ao. Nếu không đáp ứng các điều kiện, phía công ty sẽ không ký hợp đồng liên kết.

Ao nuôi cá tra XK được định vị, cấp mã số ở Cần Thơ. Ảnh: HĐ.

Vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL tập trung trải dọc theo hai bên bờ hay cồn bãi sông Hậu, sông Tiền. Trong đó, cù lao Tân Lộc giữa sông Hậu mênh mông đã hình thành làng nghề nuôi cá tra ven vùng đất bãi bồi.

Ông Út Anh theo nghề nuôi cá tra bền bỉ gần 20 năm qua, nói: Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai - IDI. Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty. Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá.

Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá nếu có sự số xảy ra hay nhầm lẫn nào đó. Mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra Việt Nam.

TP Cần Thơ cùng với 3 tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang dẫn đầu về diện tích vùng nuôi và sản lượng cá tra trong vùng. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước, đáp ứng các quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao - điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là phương thức kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn.

Bước ngoặt mới

Tuy luôn tuân thủ theo các quy định và "luật chơi", đáp ứng theo nhu cầu thị trường nhưng hơn 20 năm qua sản phẩm cá tra luôn gặp cạnh tranh khốc liệt và thường xuyên đối mặt trở ngại từ những rào cản kỹ thuật tại một số nước. Do đó biểu đồ ngành hàng cá tra thường cho thấy diễn tiến tăng giảm đầy biến động.

Thế nhưng năm 2019 đánh dấu bước ngoặt mới, chuẩn hóa vùng nuôi, không ngừng cải tiến qui trình nuôi nâng cao chất lượng, kiểm soát sản lượng chặt chẽ hướng tới xây dựng thương hiệu cá tra uy tín.

Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cho rằng, việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi thực tế không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu thị trường nhập khẩu các nước, trong đó có Trung Quốc. Hiện nay có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào Trung Quốc.

Thế giới ngày nay không còn khái niệm thị trường dễ dãi. Xu thế thương mại thế giới đang chuyển đổi.

Người tiêu dùng thông minh luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nhất, sử dụng sản phẩm an toàn và biết rõ nguồn gốc.

Do đó hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản phải đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc như một yêu cầu bắt buộc.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định: Việc cấp mã số vùng nuôi và thực hành nuôi cá tra tốt theo tiêu chuẩn GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh triển khai xây dựng, là bước đi cần thiết. Quá trình nuôi cá được theo dõi, giám sát dịch bệnh, quản lý sản lượng, chất lượng. Đây là hướng đi tất yếu.


Related news

ke-hoach-phat-trien-tom-nuoi-den-nam-2030-tai-ben-tre Kế hoạch phát triển tôm… mo-hinh-nuoi-tom-an-toan-tai-thai-binh Mô hình nuôi tôm an…