Mè - cây trồng chống hạn phù hợp trên đất cát
Để chuyển đổi cây trồng chống hạn, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã đưa cây mè vào trồng trên vùng đất cát.
Trồng mè hiệu quả trên đất cát.
Mô hình phát triển cây màu này không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn phù hợp với sản xuất nông nghiệp trên đất cát trong điều kiện nắng nóng kéo dài.
Vụ hè thu năm nay, gia đình bà Lê Thị Nguyện, thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang trồng 2 sào mè trắng trên vùng đất cát sau vườn nhà.
Bà Lê Thị Nguyện cho biết, đất quanh vườn là đất cát do thiếu nước vào mùa khô nên vài năm nay, thay vì trồng các cây màu truyền thống, bà đã cho gieo trồng cây mè và đạt được kết quả cao. Chi phí đầu tư trồng mè thấp, kỹ thuật canh tác dễ dàng, phù hợp với những vùng đất hiếm nước. Sau 3 tháng trồng, năng suất mè đạt khá cao, khoảng 25 kg/sào. Mè trắng là mặt hàng được thị trường ưa chuộng nên đầu ra khá thuận lợi.
“Với 2 sào trồng mè trắng đã thu về cho gia đình tôi gần 2,5 triệu đồng. Đây là cây màu mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây màu mà tôi trồng trên vườn đất cát trong vụ hè thu năm nay. Hạt mè thu hoạch xong phơi khô có thể bảo quản trong thời gian dài, hạn chế được áp lực bán ra, lại có thể giữ lại làm giống cho vụ sau”, bà Nguyện chia sẻ.
Được biết, đặc điểm của cây mè là không kén đất, thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng, sau khi trồng 1 tháng, cây trổ bông. Khi lá mè chuyển từ xanh sang vàng bắt đầu rụng hoặc khi thấy trái mè thứ 2 - 3 từ dưới lên có dấu hiệu nứt là lúc mè đã chín, bà con bắt đầu thu hoạch.
Trong quá trình trồng cây mè chỉ cần lượng nước tưới bằng 1/3 - 1/5 so với các cây trồng khác, nhưng thu nhập lại cao hơn gấp 2 - 3 lần, phù hợp với việc chuyển đổi các vùng không chủ động được nguồn nước.
Sản phẩm từ cây mè không những dùng làm thực phẩm, mà còn được dùng trong dược phẩm, công nghiệp, sản xuất dầu sinh học, nên đầu ra tương đối ổn định.
Việc phát triển trồng cây mè không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo được vùng đất cát, cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa hạn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thương - cộng tác viên Khuyến nông xã Gio Quang phụ trách địa bàn thôn Vinh Quang Thượng cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng lợi nhuận và cải tạo đất cát, bà con đã thử nghiệm đưa cây mè vào trồng và thành công. Đây là mô hình trên vùng cát tiềm năng và triển vọng.
“Hiện tổng diện tích các khu vườn ở Vinh Quang Thượng khoảng 20 ha. Qua đây tôi cũng mong các cơ quan ban ngành chức năng liên quan có hướng đầu tư để phát triển kinh tế trên vùng cát trong mùa nắng nóng”, ông Thương nói.
Cây mè là loại cây trồng thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt vụ hè thu, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng, nên có triển vọng thay thế những cây màu kén đất cát, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất thiếu nước.
Chi phí đầu tư sản xuất cây mè khá thấp, kỹ thuật canh tác dễ, phù hợp điều kiện địa phương. Mô hình giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống, hướng đến sản xuất bền vững trên vùng đất cát.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao