Trồng lúa Ngăn Ngừa Bệnh Lúa Vàng Lùn Và Lùn Xoắn Lá

Ngăn Ngừa Bệnh Lúa Vàng Lùn Và Lùn Xoắn Lá

Publish date Tuesday. July 9th, 2013

Trong bài viết dưới đây, PGS,TS Thái Duy Ninh không chỉ tổng hợp các nguyên nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, mà còn đưa ra lời khuyên giúp nông dân đề phòng những bệnh này cho lúa.

Về nguyên nhân gây bệnh: theo nhiều quan sát, nghiên cứu của các cán bộ kỹ thuật và của nhiều nông dân tại các vùng có bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, thì ở các nơi nhiễm bệnh, lúa bị vàng oặt, khóm lúa lùn tịt, lá vàng xoăn, đặc biệt dưới gốc các bụi lúa số lượng rầy rất nhiều. Cây lúa bị bệnh ngày càng yếu đuối, nát gốc. Do đó, biện pháp tốt nhất ngay lúc đó là phải phá đi, gặt bỏ, gom lại để khô, đốt, cày lật, vùi...

Song song với biện pháp trên, cần phải xem xét nguyên nhân một cách đồng bộ. Nghĩa là phải lưu ý chọn giống tốt, khỏe, kháng bệnh. Phải luân canh, không nên trồng lúa liền ba bốn vụ trong một năm trên một vùng đất. Bởi vì khi luân canh cây trồng tức là chúng ta diệt các yếu tố gây bệnh còn nằm ẩn trong đất, trong cỏ. Nước nào cũng áp dụng biện pháp luân canh để bảo vệ cây trồng nông nghiệp trong đồng ruộng, biện pháp đó sẽ góp phần ngăn ngừa sâu bệnh.

Hai biện pháp trên tuy là quan trọng, song quan trọng nhất là phải bón phân đầy đủ và cân đối. Nghĩa là phải bón cân đối ni-tơ, lân, ka-li. Phải bón đủ các yếu tố trung lượng như can-xi, ma-giê, clo, lưu huỳnh... Ngoài hai nhóm trên cần phải bón thêm vi lượng như: kẽm, đồng, măng-gan, cô-ban, mô-líp đen...

Bởi vì khi cây lúa còn non thì dinh dưỡng chỉ cần thiếu đói một nguyên tố dinh dưỡng nào đấy cũng tác động tới sức khỏe, sức đề kháng của cây lúa. Ðặc biệt khi cây lúa đẻ nhánh, tạo hạt, đúc hạt thì việc bón đủ dinh dưỡng đại, trung, vi lượng mới có cơ hội khó mắc bệnh và cuối cùng mới cho năng suất tốt. Chúng tôi theo dõi việc cấy lúa của các tỉnh Nam Bộ qua đài, báo thì chủ yếu là bón đa lượng. Như vậy, cây lúa nhất định đói dinh dưỡng sinh lý. Thừa chất này, thiếu chất kia.

Con người và động vật nuôi cũng cần ăn đủ dinh dưỡng protein, glu-xit, li-pit; ngoài ra, còn nhiều loại rau, củ, quả khác. Chính rau, củ, quả có vai trò đáp ứng nhu cầu khoáng nhóm trung lượng và vi lượng cho con người và vật nuôi. Có thể nói, sự sống có được ở cây và con là nhờ hoạt động của các en-zim. Mà trung tâm các hoạt động của en-zim là các i-ông vi lượng. Ngoài các nguyên nhân nói trên cũng cần chú ý tới thời vụ gieo cấy. Thời vụ gieo cấy là thời gian đáp ứng tự nhiên các yêu cầu có tính chất sinh thái của cây lúa.

Tổng hợp từ một loạt các nguyên nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nông dân muốn đề phòng được bệnh phải làm các công việc sau:

Gieo trồng các giống không nhiễm bệnh, không thoái hóa. Chú ý ngâm hạt giống trong hỗn hợp nước ba sôi hai lạnh, hay là ngâm giống trong nước thuốc trừ sâu bệnh có nồng độ và thời gian thích ứng.

Bón phân đầy đủ, cân đối. Trong phân bón phải đầy đủ ni-tơ, lân, ka-li cũng như các yếu tố trung lượng như can-xi, lưu huỳnh, ma-giê, clo... Các phân bón vi lượng riêng, thí dụ như: phân bón vi lượng Lu-vi-na XXI, là loại chứa đủ các yếu tố vi lượng cho cây lúa. Bón đúng cách ở các giai đoạn bón "gọi bông về nhà", "gọi hạt về nhà", "gọi hạt bự và đẹp về nhà" và bón lúc trước khi trổ bông bảy ngày.

- Không được bón quá nhiều ni-tơ.

- Không để khô hạn đất trồng lúa.

- Không trồng liên tiếp ba vụ lúa liền trên một chân ruộng mà phải trồng luân phiên với nhiều cây màu khác. Các vùng đã có bờ bao ngăn lụt hằng năm cần lưu ý bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây vì khi không cho nước lụt vào, phù sa không có, dinh dưỡng cho cây thiếu nghiêm trọng.

- Chăm sóc lúa kỹ nhất là nếu phát hiện dấu hiệu có sâu, bệnh thì phải cấp tập diệt ngay bằng các thuốc thích hợp. Thường xuyên bẫy đèn bắt bướm, rầy ban đêm.

- Dùng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM.

- Không dùng hạt giống lấy lại từ ruộng vụ trước đã bị bệnh.

- Tùy từng vùng riêng biệt mà xây dựng khu vực trồng lúa giống tập trung. Ðối với lúa giống thì cần phải chăm sóc kỹ hơn và phải mất nhiều công phu.

- Có thể áp dụng cách trồng lúa hữu cơ sạch như ở Thái-lan, Nhật Bản, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a... Cũng có thể áp dụng quy trình sản xuất gạo hữu cơ như khuyến cáo của Công ty TNHH Công nghệ sinh thái lúa Việt Nam (Hà Nội).

Thực hiện đồng bộ những vấn đề trên trong quá trình trồng lúa, nông dân Nam Bộ, đề phòng, chống được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, đồng thời thật sự thực hiện thành công ba giảm, ba tăng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.


Related news

ky-thuat-tham-canh-lua-lai-th3-3 Kỹ Thuật Thâm Canh Lúa… quy-trinh-quan-ly-cay-trong-tong-hop-icm-tren-he-canh-tac-co-lua Quy Trình Quản Lý Cây…