Tin thủy sản Ngành tôm Cà Mau: Hướng tới tập trung và quy mô

Ngành tôm Cà Mau: Hướng tới tập trung và quy mô

Author Trần Nguyên, publish date Friday. April 13th, 2018

Năm 2017, nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển lên tầm cao mới khi hình thức nuôi siêu thâm canh “bùng nổ” ở khắp nơi trong tỉnh. Điều đó cho thấy, ngành tôm nơi đây đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến làm chủ nguồn nguyên liệu, đạt mục tiêu thu về khoảng 2 tỷ USD sau năm 2021 từ xuất khẩu theo lộ trình chiến lược mà Chính phủ đã hoạch định.

Sức nóng nuôi siêu thâm canh

Huyện Đầm Dơi là địa phương tiên phong chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, rồi nuôi tôm công nghiệp và nay là nuôi tôm siêu thâm canh, luôn dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích và số hộ tham gia. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện, trung tuần tháng 12/2017, toàn huyện có 545,67 ha nuôi siêu thâm canh với 595 hộ nuôi và diện tích này đang tăng lên từng ngày. “Diện tích đang tăng liên tục, nóng lắm, như đang bùng nổ. Thiết bị cải tạo ao nuôi dù có được tăng cường, giá công cũng lên cao nhưng vẫn không đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu. Nhiều vùng nuôi như là một đại công trường”, ông Thuần cho biết.

Lãnh đạo tỉnh cũng khá “bận rộn” trước sức nóng của nghề nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển quá nhanh tại các địa phương. Trên lĩnh vực phụ trách, suốt năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã ngược xuôi từ Cái Nước xuống Phú Tân, sang Đầm Dơi rồi về Ngọc Hiển. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cũng đứng ngồi không yên bởi bài học từ nuôi tôm công nghiệp đã qua thật sự vẫn còn nguyên giá trị mang tính thời sự nóng bỏng. Họp chuyên đề hay thường kỳ hàng tháng của UBND tỉnh, câu chuyện phát triển “nóng” trong nuôi tôm siêu thâm canh gần như là chủ đề chính tập trung thảo luận. Chủ tịch tỉnh luôn dành phần lớn thời gian nhắc đi nhắc lại, chỉ đạo quyết liệt về nuôi tôm đúng theo quy trình. Không những vậy, chính Chủ tịch tỉnh cũng đã xuống tận ao nuôi, cùng chủ hộ xem xét tận tường ao nuôi, ao vèo, ao lắng thô, ao lắng xử lý, ao xử lý thải… Đã quá hiểu về nghề nuôi tôm, điều ông Nguyễn Tiến Hải lo lắng nhất là sử dụng an toàn điện cho sản xuất và xử lý môi trường suốt trong quá trình nuôi, ai chưa đạt thì ngoài động viên, hướng dẫn người nuôi, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý vấn đề trên quan điểm ai không hoàn thiện theo quy trình sẽ không cho nuôi, cần thiết sẽ cắt điện.

Hướng đến bền vững

Theo Kế hoạch Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đặc biệt ưu tiên xây dựng và áp dụng các quy trình nuôi tôm thân thiện với môi trường nhằm tạo sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận chất lượng của các tổ chức quốc tế, như: GlobalGAP, Organic, ASC, BAP… Nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đang được hộ nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế sự tác động đến chất lượng con tôm cũng như ảnh hưởng đến môi trường, có chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Việc xây dựng các HTX nuôi tôm siêu thâm canh chẳng những tạo đầu mối ổn định về đầu ra của con tôm nguyên liệu, đầu vào cũng được đảm bảo, cả về nguồn lực, kiểm soát quá trình nuôi mang tính bền vững, hiệu quả.

HTX Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) là điển hình trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh những năm qua, tuy nhiên với hình thức nuôi siêu thâm canh, các xã viên đã gây dựng lên sức sống mạnh mẽ của HTX. Hướng dẫn tham quan các đầm nuôi tôm siêu thâm canh, ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ nhiệm HTX với các xã viên thân thiết như trong gia đình, đã cho thấy sự gắn kết giữa HTX với xã viên. Với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm qua, ông Diện là một kỹ sư thứ thiệt, tận tình hướng dẫn về quy trình nuôi theo quy định, cung ứng đầu vào cho các hộ nuôi. Bởi với suy nghĩ, xã viên thành công thì HTX thành công và đó cũng là bước phát triển đối với cá nhân ông. Với thành công này, hiện nay có nhiều HTX nuôi tôm thâm canh tại nhiều nơi trong tỉnh đã chuyển dần sang nuôi tôm siêu thâm canh. Đây thật sự là hướng đi tích cực, đúng chủ trương, tạo thuận lợi cho nhà nước quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch được chặt chẽ, tạo tính ổn định và bền vững cho nghề nuôi tôm.

Với định hướng tập trung, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương, xin ý kiến của Chính phủ bổ sung Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 là 4.370 ha. Trước mắt sẽ xây dựng Khu tổ hợp thủy sản công nghệ cao với quy mô khoảng 200 ha tại Khu Kinh tế Năm Căn.


Related news

kinh-nghiem-nhan-giong-luon-dong Kinh nghiệm nhân giống lươn… du-bao-nhap-khau-ca-ngu-che-bien-dong-hop-cua-duc-tiep-tuc-tang-manh Dự báo nhập khẩu cá…