Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công Người Nuôi Còn Gặp Khó!

Nghề Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công Người Nuôi Còn Gặp Khó!

Publish date Thursday. August 14th, 2014

Hiện, vùng nuôi nghêu ven biển Gò Công (Tiền Giang) đã qua thời gian nghêu chết hàng loạt (tháng 2-3 hàng năm), nghêu đang phát triển tốt. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp nghề nuôi nghêu phục hồi và phát triến sau nhiều năm liên tục bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, xét về tổng quan thì nghề nuôi nghêu ven biển ngày càng đối diện với nhiều khó khăn.

Lợi nhuận giảm

Nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công hình thành từ lâu đời nhưng đến năm 2000-2001 mới bắt đầu phát triển ổn định. Thời điểm này, diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh đạt khoảng 1.800ha, sản lượng hơn 16.000 tấn nhưng giá nghêu chỉ ở mức 1.800-2.000 đồng/kg.

Đến năm 2005, diện tích nuôi nghêu của tỉnh tăng lên 2.150ha theo sự phát triển của vùng nuôi nghêu các tỉnh khác trong khu vực nên nguồn nghêu giống thả nuôi khan hiếm, sản lượng nghêu giảm gần 50%. Tuy nhiên, xuất khẩu nghêu được mở rộng sang nhiều thị trường nên giá nghêu tăng lên 9.000-10.000 đồng/kg (cao gấp 5 lần so với năm 2001), người nuôi nghêu có lãi khá.

Từ năm 2006-2012, giá nghêu giống ngày càng cao, chi phí đầu tư tăng nên lợi nhuận nuôi nghêu tính trên vốn đầu tư giảm dần. Đáng lo ngại hơn, trong năm 2013, giá nghêu thịt chỉ nằm ở mức 18.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 30.000-36.000 của năm 2012 nên người nuôi nghêu lãi thấp.

Dù vậy, khi đề cập đến vấn đề hiệu quả trong nuôi nghêu, ông Trần Văn Vinh (ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) khẳng định, nếu nghêu nuôi phát triển tốt và không có tình trạng chết hàng loạt thì đây vẫn là đối tượng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Nhịn ở ấp Cầu Muống, hiện vốn đầu tư cho 1ha nghêu chỉ gần 120 triệu đồng (tùy mật độ thả giống), năng suất bình quân nghêu nuôi khu vực này khoảng 15 tấn/ha, với giá khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ 1ha sân nghêu là 300 triệu đồng. Như vậy, trừ chi phí, người nuôi vẫn lãi khoảng 180 triệu đồng/ha.

Dịch bệnh gia tăng

Trong 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên nghêu ngày càng diễn biến phức tạp, nghêu chết ngày càng nhiều, thậm chí có hộ nuôi gần như mất trắng.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, từ năm 2010 đến nay,­ đã có 4 năm nghêu nuôi trên địa bàn chết hàng loạt. Năm 2010, diện tích nghêu chết lên đến 918ha, sản lượng khoảng 12.581 tấn, thiệt hại gần 250 tỷ đồng. Năm 2011, nghêu chết trên diện tích 1.195ha, sản lượng 10.578,4 tấn, thiệt hại 210 tỷ đồng. Gần đây nhất, trong tháng 2-3/2013, tỉnh có 1.600ha nghêu bị thiệt hại, chiếm hơn 97% diện tích nuôi, sản lượng trên 14.000 tấn, thiệt hại hơn 280 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây chết nghêu trong năm 2013 có thể do độ mặn về sớm và luôn ở ngưỡng khá cao, một số chỉ tiêu môi trường như nhiệt độ, sắt tổng số và tổng số chất rắn lơ lửng cao hơn giới hạn cho phép làm ảnh hưởng đến hô hấp và dinh dưỡng của nghêu. Cũng không loại trừ khả năng độc tố có trong môi trường đã làm giảm sức đề kháng của nghêu, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công.

Ông Võ Văn Mánh, nông dân có 25ha nghêu nuôi ở ấp Cây Bàng, xã Tân Thành, cho biết, hiện tượng nghêu chết hàng loạt diễn ra hơn 10 năm nay. Mỗi lần nghêu chết như vậy đều có cơ quan chức năng, các nhà khoa học tới tìm hiểu nhưng chưa có kết luận chính thức. Nguyên nhân nghêu chết do đâu, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Mặt khác, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tiền Giang chủ yếu dựa vào sự đúc kết kinh nghiệm, tài liệu kỹ thuật đối với loài thủy sản này rất hạn chế. Do đó, khi có dịch bệnh phát sinh thì thiệt hại xảy ra là rất lớn.

Nuôi nghêu là một trong những lợi thế quan trọng của tỉnh Tiền Giang với diện tích nuôi nghêu đạt 2.300ha (tập trung chủ yếu ở khu vực biển Tân Thành), chỉ đứng sau Bến Tre về diện tích nuôi nghêu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hàng năm, vùng nuôi nghêu của tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu lên đến 17.000 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, hiện nghêu được ưa chuộng tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á với giá xuất khẩu nghêu thịt dao động từ 3,5-4 USD/kg, nghêu nguyên con 1,8-2 USD/kg...

Do đó, để nghề nuôi nghêu phát huy tiềm năng và phát triển bền vững, thiết nghĩ, cần phải thay đổi tư duy, có kế hoạch bài bản, từ quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, tăng cường sản xuất nghêu giống, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, có sự liên kết chặt chẽ từ khâu nuôi, sơ chế đến chế biến xuất khẩu.

Trước mắt, phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt để có biện pháp phòng trị, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.


Related news

ra-khoi-cung-ngu-dan Ra Khơi Cùng Ngư Dân siet-rau-cu-ngoai Siết Rau Củ Ngoại