Ngỡ ngàng hiệu quả cây riềng trên đất màu, thu 600 triệu đồng/ha/năm
Cây riềng đã có ở vùng đất xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An) từ hàng chục năm nay nhưng chủ yếu trồng trên đất đồi. Vài năm lại đây, người dân thử nghiệm trồng riềng trên đất màu, thu về 600 triệu đồng/ha/năm.
Cây riềng giúp nông dân thôn Tiền Phong đổi đời
Ông Nguyễn Quang Huy, xóm Tiền Phong cho biết, trên diện tích 7 sào (3.500m2) đất màu, trước đây ông trồng 2 vụ ngô, 1 vụ lạc/năm. Tính ra, tổng thu chưa nổi 5 triệu đồng/sào (100 triệu đồng/ha). Từ năm 2015, ông đem cây riềng ra trồng thử nghiệm trên diện tích này, đến năm 2016 có thu hoạch lứa đầu tiên.
“Trước đây, riềng được trồng trên đất đồi. Tuy chất lượng thơm ngon nhưng năng suất thấp, được 1 - 2 năm là phải trồng lại. Còn trồng ở đất màu, năng suất cao gấp rưỡi, chất lượng cũng thơm ngon nhưng đã 3 năm vẫn chưa phải trồng lại” – ông Huy cho biết.
Cả cánh đồng màu của xóm Tiền Phong hầu hết được chuyển từ rau màu sang trồng riềng, chỉ còn đôi thửa trồng ngô, lạc. Theo tính toán của người dân Nam Hưng, đầu tư trồng mỗi ha riềng mất chừng 100 triệu đồng. Sau một năm, riềng cho thu hoạch lứa đầu. Nếu đầu tư tốt, mỗi năm thu được 3 đợt, năng suất bình quân đạt 60 - 70 tấn/ha/năm. Với giá riềng củ ổn định như hiện nay, mỗi ha riềng có thể đem về 600 - 700 triệu đồng/năm. Tại Nam Hưng đã có hộ chăm bón tốt, năng suất đạt 5 tấn/sào/năm (100 tấn/ha/năm). Điều đó cho thấy, tiềm năng của cây riềng có thêm đem về cho nông dân nguồn thu 1 tỷ đồng/ha/năm.
“Có thời điểm riềng củ lên đến 18 nghìn đồng/kg, chỉ cần vài giờ thu hoạch củ, một lao động cũng thu về 500 - 600 nghìn đồng. Nếu tính bình quân 10 nghìn đồng/kg củ thì trồng riềng đã lãi hơn trồng hoa màu 5 - 6 lần rồi. Hiện nay, đầu ra cho cây riềng tương đối rộng, tư thương vào thu mua tận nhà. Lá, thân cây riềng cũng có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc”, bà Nguyễn Thị Hằng, xóm Tiền Phong cho biết.
Diện tích trồng riềng tại Nam Hưng không ngừng tăng lên
Theo kinh nghiệm của người trồng riềng, riềng được trồng thành từng hàng, bụi, khoảng cách đều nhau 60 - 70cm, mỗi bụi trồng 3 - 4 ngó. Tùy vào chất đất để bón phân chuồng và NPK phù hợp nhưng thường bón lót 2 tấn phân NPK/ha. Phân chuồng tốt nhất để bón cho cây riềng là phân chuồng tươi, bón càng nhiều đất càng tơi xốp đất, củ càng mau lớn, năng suất cao.
Khi thu hoạch phải để lại 3 - 4 ngó, tiếp tục chăm sóc, bổ sung thêm phân chuồng, NPK phù hợp, vùn gốc, 3 - 4 tháng sau tiếp tục thu hoạch. Riềng rất ít sâu bệnh nên dù đã trồng nhiều năm nay nhưng người dân xã Nam Hưng chưa cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện toàn xã Nam Hưng đã trồng được 20 ha riềng, tập trung tại các thôn Lam Sơn, 3/2, Tiền Phong. Riêng thôn Tiền Phong hiện có 10ha, thu hút hơn 70 hộ tham gia trồng. Nhờ cây riềng, bà con thôn Tiền Phong có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ngày càng cao.
“Trước đây, Tiền Phong là thôn nghèo nhất xã. Nhưng vài năm lại đây, nhờ trồng riềng trên đất màu, diện tích không ngừng tăng nên đời sống của người dân đã khấm khá. Trồng, chăm bón và thu hoạch riềng không vất vả, thu nhập cao và có việc làm thường xuyên trong năm. Riềng củ sau khi được thu hoạch đem về, làm sạch, cắt rễ, đem đi nhập tươi.
Cây riềng trồng trên đất màu tại Nam Hưng cho năng suất, chất lượng cao
Trong số 50 hộ thì có 20 hộ thành lập tổ sản xuất thu mua củ riềng. Trong đó có 3 - 4 hộ vừa sản xuất vừa thu mua. Để giúp nhau mở rộng diện tích và phát triển kinh tế, mùng 10 âm lịch hàng tháng, các hộ trong tổ đều góp tiết kiệm ít nhất 200 nghìn đồng/hộ. Số tiền mỗi tháng sẽ luân phiên cho các hộ vay để phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hằng, tổ trưởng tổ sản xuất thu mua riềng thôn Tiền Phong cho biết.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết thêm, xã đang có chủ trương mở rộng diện tích và tiến tới tạo thương hiệu cho củ riềng Nam Hưng. Thử nghiệm trồng riềng trên đất màu là một đột phát về kinh tế ở Nam Hưng. Cây riềng trồng trên đất màu vừa hiệu quả kinh tế cao vừa giúp nông dân không lo vấn đề nước tưới vì cây riềng thích ứng tốt với điều kiện khô hạn ở vùng đất này.
"Giống riềng được trồng ở Nam Hưng chủ yếu là riềng hồng và đỏ. Bà con vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích. Củ riềng được sử dụng đa mục đích nhưng chủ yếu chế biến thực phẩm, đầu ra đang ổn định và giá bán cao. Chúng tôi đang tính tới việc mở rộng diện tích theo quy hoạch để liên kết tìm đầu ra ổn định cho nông dân”, ông Xuân chia sẻ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao