Nhu cầu và lựa chọn khoáng trong nuôi tôm
Khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Hiện nay, ở các mô hình thâm canh, đặc biệt là siêu thâm canh, mật độ con giống khá cao, tôm nuôi thường bị thiếu khoáng. Vì vậy, tôm cần được bổ sung khoáng đầy đủ, thông qua thức ăn và nước ao nuôi.
Trên thị trường có rất nhiều loại khoáng. Ảnh: powderbulksolids
Đặc điểm
Ngoài tự nhiên, tôm sống ở môi trường nước biển có độ mặn khoảng 35‰. Ở môi trường đó, tôm sẽ thích nghi với nguồn nước có tỷ lệ hàm lượng các khoáng chất nhất định. Trong khi, với môi trường ao nuôi, nước có độ mặn thấp hơn, hàm lượng khoáng chất trong nước cũng thay đổi. Vì vậy, để giúp tôm phát triển ổn định lâu dài, duy trì khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu, tôm ít bị stress và khỏe mạnh trong suốt vụ nuôi, cần tính toán cũng như cân đối để bổ sung khoáng chất sao cho phù hợp với môi trường nước biển là tốt nhất. Các nhà sản xuất sẽ căn cứ vào tỷ lệ phần trăm khoáng chất có trong nước biển từ đó thiết lập công thức để sản xuất ra các sản phẩm khoáng bổ sung cho ao nuôi.
Chất khoáng được chia làm hai nhóm là đa lượng và vi lượng. Khoáng đa lượng có hàm lượng cao trong nước, nhu cầu của tôm với các chất này cũng khá cao bởi chúng có tác dụng cấu tạo nên vỏ tôm, điều hòa áp suất thẩm thấu, duy trì ổn định pH như: Canxi (Ca), Kali (K), Magie (Mg)... Trong khi, nhóm khoáng vi lượng sẽ có hàm lượng ít, một số loại như Đồng (Cu), Crôm (Cr), Kẽm (Zn).
Nhu cầu
Do lớp vỏ tôm được hình thành chủ yếu từ các khoáng chất nên quá trình lột xác kéo theo nhu cầu khoáng chất rất cao. Bởi vậy, nhu cầu khoáng ở các giai đoạn sinh trưởng của tôm là khác nhau, phụ thuộc vào sự lột xác nhiều hay ít. Tôm kích cỡ nhỏ có chu kỳ lột xác ngắn hơn so tôm trưởng thành. Ngoài ra, độ mặn cũng tỷ lệ thuận với hàm lượng khoáng. Vì vậy, tùy vào từng vùng nuôi, mùa vụ khác nhau người nuôi xác định hàm lượng khoáng phù hợp bổ sung cho tôm. Trong quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra vỏ của tôm, khi ao nuôi được cung cấp đủ khoáng, vỏ tôm sẽ bóng, cứng và chắc, ngược lại tôm có dấu hiệu mềm vỏ chứng tỏ hàm lượng các chất khoáng trong ao chưa đủ.
Nguồn cung cấp
Khoáng cung cấp cho tôm được bổ sung từ thức ăn và nguồn nước. Trong thành phần dinh dưỡng của thức ăn đã có một số các chất khoáng vi lượng; tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của tôm, đặc biệt là giai đoạn khi tôm lột xác. Tôm lớn lên bằng cách lột xác, việc hấp thu được khoáng sẽ giúp quá trình lột xác và tạo vỏ mới được diễn ra dễ dàng, thuận lợi. Do đó, sử dụng khoáng trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất đi trong quá trình lột xác của tôm là rất cần thiết. Đặc biệt, khi lột xác xong, môi trường nước có đủ khoáng, vỏ tôm sẽ cứng, chắc và bóng.
Lựa chọn sản phẩm
Ngoài thể tích của ao, người nuôi cần lưu ý đến tổng khối lượng tôm trong ao để xác định chính xác hàm lượng khoáng cần bổ sung.
Không nên lựa chọn các sản phẩm thương mại không đề cập đến thành phần khoáng chất, vì như thế có thể sẽ thiếu tiêu chuẩn và hiệu quả. Đọc kỹ hàm lượng khoáng ghi rõ ở bao bì và so sánh với hàm lượng khoáng có trong nước biển. Hiện, trên thị trường có nhiều sản phẩm, tuy nhiên, vẫn còn lẫn lộn hàng giả, hàng kém chất lượng. Hơn nữa, người nuôi thường có thói quen mua sản phẩm về và sử dụng luôn thay vì việc lấy mẫu sản phẩm đi phân tích xem hàm lượng có đúng như trên bao bì hay không… Chính những nguyên nhân trên dẫn đến hiệu quả sử dụng sản phẩm không cao. Vì vậy, người nuôi nên cân nhắc, lựa chọn địa chỉ cung cấp có uy tín, chất lượng, nếu có điều kiện, nên đi phân tích mẫu sản phẩm để cho kết quả tốt nhất.
Trưởng khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TPHCM
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao