Mô hình kinh tế Nông dân Bến Tre làm giàu với vườn cây ăn trái

Nông dân Bến Tre làm giàu với vườn cây ăn trái

Publish date Tuesday. November 10th, 2015

Hiện nay, Bến Tre là một trong số địa phương có mô hình trồng cây ăn quả lớn nhất vùng ĐBSCL.

Từ mô hình này đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu, trong đó có mô hình trồng cây ăn quả xen canh của ông Đàm Văn Long tại ấp 7, xã An Khánh, huyện Châu Thành.

Ông Long là nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc nhiều năm liền.

Ông Đàm Văn Long trước đây là giáo viên tiểu học rồi làm cán bộ xã An Khánh, song ông lại “có duyên” với nghề làm vườn hơn.

Chính vì làm vườn đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá giả.

Ông Long kể: Do gia đình nghèo nên khi ở riêng vợ chồng ông chỉ thừa hưởng 2 công đất vườn của cha mẹ.

Ngoài việc đi dạy học, ông còn học thêm nghề thú y điều trị bệnh cho vật nuôi để kiếm thêm thu nhập.

Vào năm 2000, đất đai ở xã An Khánh giá rất thấp nên ông dành dụm tiền và sang nhượng được 1 ha đất vườn tạp.

Vốn rất ham thích trồng cây ăn quả đặc sản nên ông quyết định nghỉ dạy học để tập trung phát triển kinh tế vườn.

Trước đây, mảnh vườn của ông chọn trồng xen canh 3 loại cây đặc sản như: Nhãn- Măng cụt và bưởi Năm Roi.

Gần đây, cây nhãn và bưởi Năm Roi sụt giá hay bị sâu bệnh nên ông quyết tâm chuyển sang trồng 3 loại cây chủ lực là: Ca cao- bưởi da xanh và măng cụt.

Do áp dụng đúng các tiến bộ kỹ thuật từ sách báo, cán bộ khuyến nông hướng dẫn và học tập các nhà vườn khác nên vườn cây của ông Long xanh tốt, trĩu quả.

Đến thời điểm này, từ số diện tích đất sang nhượng và cha mẹ cho, gia đình ông Đàm Văn Long đã có đến 3 ha vườn.

Trong đó có khoảng 1,5 ha cây bưởi da xanh, 7 công đất trồng cây măng cụt và trồng được hơn 1.200 cây ca cao trồng xen với 2 loại cây trên.

Vườn cây này, mỗi năm cho thu hoạch trên 6 tấn trái măng cụt, 25 tấn trái ca cao và 19 tấn bưởi.

Năm ngoái, dù giá trái cây sụt giảm nhưng trang trại vườn cây của người nông dân này cho lãi trên 450 triệu đồng.

Đề cập đến việc trồng căn ăn quả hiệu quả cao, ông Đàm Văn Long chia sẻ: “Để trồng cây ăn trái đạt chất lượng, đối với nông dân trước tiên mình phải học hỏi kỹ thuật cho đúng mức.

Sau đó, áp dụng vảo mảnh vườn của mình canh tác.

Thứ hai là mình phải chọn giống cho chuẩn, phải sử dụng đất cho phù hợp với từng loại cây.

Thứ ba là phải chú trọng phân, nước cho đầy đủ và thứ tư là phải đảm bảo vệ sinh thường xuyên để hạn chế sâu bệnh.”

Để chăm sóc khu vườn có diện tích lớn này, mỗi năm, ông Đàm Văn Long phải thường xuyên thuê mướn thêm hơn 1.000 ngày công lao động.

Các nhân công được ông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây.

Khác với các khu vườn xung quanh, vườn của ông Long trồng với mật độ thưa, lấy trái ít để đạt chất lượng cao.

Đặc biệt, khi cây ra quả, ông không sử dụng thuốc mà chịu khó bao trái.

Do vậy, các loại trái cây tại khu vườn này tuyệt đối không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trong vườn cây, ông đào nhiều mương nhỏ để tiêu thoát nước vào mùa mưa, mùa triều cường và tạo cơ hội cho lượng phù sa bồi đắp hàng năm.

Nhờ vậy, mà khu vườn này luôn tươi tốt, đạt năng suất cao.

Bản thân ông Đàm Văn Long, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.

Mới đây, ông vinh dự đi Hà Nội dự Liên hoan nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Hiện nay, ông còn vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Bến Tre đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần IX sắp diễn ra tại Hà Nội.

Ông Lương Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, mô hình của ông Long đạt hiệu quả kinh tế rất cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng trọt.

Mô hình này được xét chọn đạt cấp TW nhiều năm liền.

Phía Hội cần nhân rộng để cho bà con nông dân học hỏi để áp dụng vào trồng trọt đạt kết quả.

Được biết, thời gian qua khi là cán bộ ấp 7 và làm Chủ tịch Hội nông dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Khánh, ông Đàm Văn Long là người cán bộ mẫn cán.

Ông rất tích cực trong công tác, vận động các nhà hảo tâm xây dựng được hơn một trăm căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng quà cho hàng trăm lượt người nghèo; xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn…

Ngoài việc phát triển sản xuất, ông tiếp tục đóng góp cho hoạt động xã hội tại địa phương, nhất là hỗ trợ cây giống, kỹ thuật giúp cho nhiều nông dân khác làm vườn đạt hiệu quả, thoát nghèo.

Dù là chủ một trang trại “kiểu mẫu”, nhưng ông Đàm Văn Long vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục phát triển mô hình kết hợp vườn cây và du lịch sinh thái.

Từ hoàn cảnh khốn khó, nhờ bàn tay lao động cần cù, sáng tạo đã trở thành tỉ phú miệt vườn.

Tấm gương sản xuất giỏi của ông Đàm Văn Long tại ấp 7, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xứng đáng được biểu dương và nhân rộng.


Related news

dua-dong-thap-muoi-co-gia-nong-dan-thu-lai-kha Dứa Đồng Tháp Mười có… huong-den-thi-truong-xuat-khau-on-dinh-can-san-xuat-trai-cay-theo-quy-trinh-gap Hướng đến thị trường xuất…