Tin thủy sản Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Author Ánh Nguyệt, publish date Monday. November 25th, 2024

Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên). Để từng bước nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà). 

Mô hình được thực hiện tại hộ bà Lê Thị Khuyên tại thôn Tân Phú (xã Hộ Độ) với quy mô 0,5ha, thả nuôi 15.000 con cá giống với mật độ 3 con/m2. Trong suốt quá trình nuôi, chủ mô hình đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng trong ao theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Tuân thủ nghiêm túc quy tắc phòng bệnh tổng hợp để ngăn ngừa các mầm bệnh xuất hiện, quản lý tốt chất lượng nước, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 43% để đảm bảo cho cá chim vây vàng đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất, cho cá ăn theo nguyên tắc "4 định" và bổ sung thêm vitaminC để tăng sức đề kháng cho cá… Thường xuyên theo dõi thời tiết, tình hình sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp trong suốt quá trình nuôi.

Nhờ việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng của mô hình đạt trọng lượng trung bình 0,6kg/con; sản lượng đạt 5,4 tấn (tương đương năng suất bình quân 10,8 tấn/ha). Với giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Đồng thời, cơ sở nuôi trồng thủy sản của bà Khuyên đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) cấp giấy chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bà Lê Thị Khuyên, chủ mô hình phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi đã nuôi cá chim vây vàng với hình thức nuôi quảng canh, cho ăn hoàn toàn bằng cá tạp. Với cách nuôi tự phát, gần như không có sự đầu tư về kỹ thuật nên môi trường nước ao rất khó quản lý, tỷ lệ hao hụt rất lớn và hiệu quả kinh tế thu được không đáng kể.

Sau khi Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiến hành khảo sát và hỗ trợ, gia đình tôi đã tiên phong đăng ký thực hiện mô hình nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cá chim vây vàng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP giúp việc liên kết tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, giá bán cũng cao hơn”.

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ một phần con giống, hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và chứng nhận VietGAP cho hộ nuôi. Trong quá trình triển khai, Trung tâm đã phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cử cán bộ trực tiếp xuống khảo sát kiểm tra điều kiện cần thiết để triển khai mô hình và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp kiểm tra môi trường, cải tạo, tu sửa ao đầm đảm bảo quy trình kỹ thuật trước vụ nuôi.

Trao chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng cho cơ sở nuôi trồng thủy sản của bà Lê Thị Khuyên. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bên cạnh đó hướng dẫn cách chọn giống, thả giống, kỹ thuật chăm sóc cá nuôi, phòng bệnh tổng hợp,

Hà Tĩnh hiện có trên 500ha mặt nước mặn lợ nuôi các đối tượng như cá chim vây vàng, cá đối mục, cá chẽm… nên khả năng nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng VietGAP ra các địa phương khác là rất cao.

kỹ thuật thu hoạch đảm bảo yêu cầu và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua việc xây dựng mô hình với các hoạt động tập huấn, tham quan, kiểm tra, tổng kết, hội thảo… đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi thủy sản. Từ đó người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đặc biệt là con giống rõ nguồn gốc, chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường bền vững.

Ông Hoàng Hải Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: Mô hình nuôi cá chim vây vàng tại hộ bà Lê Thị Khuyên là mô hình đầu tiên đạt chứng nhận VietGAP của huyện Lộc Hà trên đối tượng cá chim vây vàng. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, nhân rộng mô hình.

Việc đưa quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP vào áp dụng tại tỉnh Hà Tĩnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng tỉ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ tiêu thụ hơn. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với một số huyện xây dựng các mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật, làm tiền đề phát triển đối tượng nuôi này.


Related news

phu-pham-nganh-tom-co-the-mang-ve-ca-ty-usd Phụ phẩm ngành tôm có… xuat-khau-tom-ca-bat-ngo-tang-manh-uoc-dat-tren-10-ti-usd Xuất khẩu tôm cá bất…