Tin thủy sản Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

Author Kim Anh, publish date Monday. November 25th, 2024

Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) vừa phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và tham vấn đổi mới sáng tạo trong ngành tôm Việt Nam theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.

Thông qua việc hợp tác cùng các bên liên quan, Dự án i4Ag sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng tương lai phát triển bền vững cho ngành tôm tại ĐBSCL.

Theo ông Ngô Tiến Chương - Trưởng nhóm Thủy sản GIZ, thách thức của ngành tôm Việt Nam hiện nay đến từ tỷ lệ thành công vụ nuôi chỉ hơn 40%; chi phí vận hành cao (thay nước nhiều, tiêu hao năng lượng lớn…); chất thải trong nuôi tôm; liên kết sản xuất còn bất cập; sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Riêng tại vùng ĐBSCL, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp nhất cả nước, chỉ đạt 13,3%.

Do đó, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Dự án i4Ag hướng đến nâng cao chất lượng nước và tỷ lệ sống của tôm giống phục vụ hoạt động nuôi thủy sản bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng thủy sản nuôi trồng theo hướng thân thiện với môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là chìa khóa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá, trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.

Thông qua Dự án i4Ag, các địa phương có thể tranh thủ và tận dụng sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia, từ đó đưa ra chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Dự án i4Ag do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ và Cục Thủy sản làm chủ dự án. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2024 – 2026 tại 3 địa phương là TP Hà Nội, tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.

Áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp để nuôi tôm bền vững. Ảnh: Kim Anh.

3 giải pháp đổi mới sáng tạo đang được Dự án i4Ag triển khai thí điểm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau bao gồm: Hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS) giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm – rừng cải tiến, nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất và giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.

Khẳng định đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho ngành tôm, ông Đào Trọng Hiếu (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, chế biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm.

Dẫn một kết quả điều tra phụ phẩm ngành tôm ở vùng ĐBSCL do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thực hiện cách đây 2 năm, ông Hiếu đánh giá dư địa lĩnh vực này còn rất lớn. Bởi 70% phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trong công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 15% và trong y dược chưa tới 2%.

Báo cáo của 34 địa phương trong cả nước (từ năm 2019 – 2021) cho thấy, tổng sản lượng phế phụ phẩm tôm lên đến hơn 500.000 tấn (chủ yếu là đầu, vỏ tôm). Ảnh: Kim Anh.

Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm chủ yếu tiêu thụ trong nước tới 80 – 90%, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan). Năm 2021, doanh thu từ các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm mang về gần 4.000 tỷ đồng. Ông Hiếu cho rằng, nếu tận dụng tốt, con số này có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng có thể mang về cả tỷ USD.

Tại hội thảo, Cục Thủy sản cũng cho biết 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 7,9 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sản lượng tôm nước lợ đạt 1,1 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%.

Trong hệ thống chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện có khoảng 850 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra có khoảng 3.530 cơ sở quy mô nhỏ và vừa phục vụ chế biến nội địa.

Riêng đối với cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, có tới 82% cơ sở chế biến đông lạnh, trong đó có khoảng 350 cơ sở chuyên chế biến tôm phân bố chủ yếu ở ĐBSCL và Đông Nam bộ (chiếm đến 85,4%).


Related news

tin-hieu-kha-quan-ket-thuc-nam-kho-khan-cua-nganh-tom-dbscl Tín hiệu khả quan kết… nuoi-ca-chim-vay-vang-vietgap-6-thang-nang-suat-dat-10-8-tan-ha Nuôi cá chim vây vàng…