Mô hình kinh tế Nuôi thử nghiệm cá Lăng nha tại Bảo Lộc

Nuôi thử nghiệm cá Lăng nha tại Bảo Lộc

Publish date Tuesday. November 10th, 2015

Ông Bùi Văn Sơn kiểm tra tình hình sinh trưởng của cá Lăng tại Mô hình của ông Trần Hữu Tú

Gia đình ông Trần Hữu Tú (thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) đã có truyền thống nuôi cá hơn 10 năm nay.

Trước đây, gia đình ông chủ yếu nuôi cá Rô phi kinh doanh.

Với kinh nghiệm cũng như diện tích ao hồ đủ điều kiện, gia đình ông đã được chọn để làm mô hình thí điểm nuôi cá Lăng nha thương phẩm trong ao đất từ tháng 9/2014.

Cùng với gia đình ông Tú, gia đình ông Cù Ngọc Hòa (phường Lộc Phát) cũng triển khai mô hình tương tự.

Mỗi mô hình có diện tích ao khoảng 1,5 sào với số lượng cá giống ban đầu được thả là 6.000 con/ao.

Khi tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư.

Ông Trần Hữu Tú cho biết: “Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, tôi thấy loại cá này sống khỏe hơn nhiều so với cá Rô phi, nhất là khi cá còn nhỏ.

Hiện tại, cá Lăng đã phát triển với trọng lượng khoảng 6 - 7 lạng/con.

Đây là giai đoạn cá bắt đầu ăn mạnh và tăng trọng nhanh.

Ngoài loại cám đặc dụng thì cá Lăng còn ăn các loại cá tạp khác.

Tuy nhiên, do lần đầu chưa có kinh nghiệm, khi cá Lăng còn nhỏ lại thả chung với cá Rô phi nên bị tranh hết thức ăn trong giai đoạn đầu”.

Định kỳ hàng tháng, Trung tâm Nông nghiệp đều cử cán bộ đến theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cá Lăng tại 2 mô hình nuôi thử nghiệm.

Theo đánh giá bước đầu, cá Lăng đạt trọng lượng khá tốt và tỷ lệ sống đến hiện tại là 58% (tại mô hình của ông Hòa) và 87% (tại mô hình của ông Tú).

Bác sỹ thú y Bùi Xuân Sơn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc, Chủ nhiệm Đề tài nuôi cá Lăng nha, cho biết: “Do lần đầu nuôi thử nghiệm nên các hộ chưa có kinh nghiệm.

Khi cá nhiễm bệnh, chủ yếu là nhiễm ký sinh trùng và bệnh “tuột nhớt”, thì lúng túng, không tìm được thuốc đặc trị.

Đặc điểm sinh trưởng của loại cá này là khoảng 2 năm mới có thể xuất bán, nên hiện tại chưa thể đánh giá được kết quả.

Tuy nhiên, với mức độ phát triển, tỷ lệ sống như hiện tại thì đạt theo kết quả dự kiến về mô hình.

Theo đó, với tỷ lệ sống đạt 60% và trọng lượng trung bình đạt 1kg/con thì doanh thu cho cả 2 mô hình đạt khoảng 576 triệu đồng (với giá thị trường hiện tại là 80.000 đồng/kg).

Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi mô hình đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.

Trong những năm qua, tại TP Bảo Lộc, các hộ chủ yếu nuôi trồng thủy sản với các loại cá truyền thống như: Rô phi, Trắm cỏ, Chép, Mè… Các hộ chủ yếu tận dụng ao hồ và nuôi theo hình thức phục vụ nhu cầu gia đình nên hiệu quả không cao.

Ngay cả một số hộ nuôi chuyên nghiệp như gia đình ông Tú (ở Lộc Nga) cũng gặp một số khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Tú, với 3 ao cá hiện tại thì mỗi năm ông xuất bán khoảng 12 tấn cá Rô phi.

Thế nhưng, để bán hết số lượng cá này thì ông phải mất cả tháng, vì mỗi lần thương lái chỉ bắt khoảng 7 tạ đến 1 tấn.

Còn theo thống kê của Chi cục Thống kê Bảo Lộc, so với năm 2009 diện tích ao hồ trên địa bàn TP Bảo Lộc tăng từ 85ha lên 124ha, nhưng sản lượng thủy sản lại giảm từ 727 tấn xuống chỉ còn 681 tấn.

Điều này chứng minh hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt không cao.

Đây chính là cơ sở để Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc đặt ra vấn đề phải phát triển loại thủy sản mới có giá trị thương phẩm cao và đã chọn cá Lăng nha để nuôi thử nghiệm.

Nguồn vốn để triển khai 2 mô hình trong năm 2014 là gần 300 triệu đồng.

Trong đó, vốn từ Chương trình khoa học công nghệ là 150 triệu đồng, còn lại là do dân đối ứng.

Nói về khả năng chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình, ông Sơn cho biết thêm:

“Như nhiều mô hình khác mà Trung tâm đã triển khai, để có thể nhân rộng mô hình nuôi cá Lăng nha thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, nguồn giống, đầu ra cho sản phẩm…

Về nguồn giống thì Trung tâm liên hệ trực tiếp với Trường Đại học Nông lâm (TP Hồ Chí Minh) để mua và được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Còn về đầu ra cho sản phẩm, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm cũng đã liên hệ với siêu thị và một số nguồn tiêu thụ khác để cung ứng.

Vấn đề khó khăn hiện nay là các mô hình triển khai với quy mô còn nhỏ lẻ, nên chưa thể đặt vấn đề về hợp đồng tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo khảo sát trước khi triển khai đề tài, cá Lăng nha là loài đặc sản đã được người dân dọc sông Đồng Nai khai thác và tiêu thụ.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các nhà hàng, khách sạn ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này để phục vụ thực khách.

Do đó, giá trị kinh tế của cá Lăng cũng nâng cao khi được tiêu thụ với giá từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.

Vì vậy, khi các mô hình triển khai thành công sẽ kích thích các hộ trên địa bàn mở rộng diện tích nuôi loại cá này, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của TP Bảo Lộc phát triển”.


Related news

vuon-len-voi-mo-hinh-nuoi-hau-thuong-pham Vươn lên với mô hình… nhieu-nong-dan-doi-doi-nho-nuoi-dac-san-ca-chien Nhiều nông dân đổi đời…