Vươn lên với mô hình nuôi hàu thương phẩm
Trước đây, người dân không chú trọng nghề nuôi hàu, nguồn hàu thương phẩm chủ yếu sinh sống tự nhiên.
Đầu năm 2013, có 3 - 4 hộ nuôi thí điểm hàu bằng giàn.
Kỹ thuật nuôi đơn giản, chỉ cần chọn vị trí nuôi phù hợp, giăng dây thành giàn, chọn vật bám như tole, vỏ hàu treo lên giàn rồi thả sông rạch, nơi có nguồn nước chảy để lấy giống.
Sau 1 tháng, hàu giống xuất hiện trên vật bám.
Sau khi thả nuôi, kết quả ngoài mong đợi, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khi chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, giá cả ổn định, thị trường ưa chuộng.
Ông Trương Văn Ron ở ấp Thới An, là một trong những người đầu tiên thả nuôi hàu tại địa phương.
Ông học hỏi kỹ thuật qua người quen vùng nuôi hàu rồi về đóng giàn, treo vật bám khoảng 1,5 tấn tole thả nuôi.
Một giàn nuôi hàu được thiết kế từ 30 - 50m2.
10 tháng sau, hàu đạt cỡ từ 3 - 5 con/kg.
Lúc này, ông thu hoạch hơn 3 tấn hàu vỏ, giá trung bình 22 ngàn đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 40 triệu đồng.
Sau khi nuôi thí điểm, ông Ron đầu tư làm giàn thả nuôi với số lượng vật bám 8 tấn tole.
Hiện, giàn hàu của ông đang phát triển tốt, dự định khoảng giữa năm sau, ông Ron sẽ thu về số lượng lớn hàu thương phẩm.
Cách nhà ông Ron không xa là hộ anh Đỗ Văn Thông.
Hiện nay, vợ chồng anh đang thu hoạch hàu.
Được biết, vợ chồng anh Thông lúc trước sống chủ yếu làm thuê, làm mướn, đủ lo cơm gạo trong nhà, nhiều lúc ốm đau thì chịu cảnh thiếu hụt.
Sau khi thấy được hiệu quả của mô hình nuôi hàu vùng lân cận, anh đi chặt cây, thu gom 1 tấn vỏ hàu rồi lập giàn, thả xuống con sông Hàm Luông chảy qua mé sau nhà.
Từ lúc thả nuôi đến nay khoảng 11 tháng, anh thu hoạch với ước tính đạt 2 tấn hàu vỏ, trừ chi phí, anh cũng kiếm được 30 triệu đồng.
Từ số tiền thu hoạch hàu, vợ chồng anh Thông dự định cất lại ngôi nhà.
Hiện, vợ chồng anh chắt chiu số vốn thả nuôi tiếp tục 2 tấn vỏ hàu và tole.
Theo anh Thông chia sẻ, năm tới, anh thu hoạch số lượng nhiều gấp đôi, từ đó, kinh tế gia đình anh sẽ phát triển hơn.
Theo lời ông Võ Văn Hời - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thuận, Bình Đại: “Trước lợi nhuận của việc nuôi hàu, nhiều người dân địa phương, nhất là hộ nghèo mạnh dạn hơn trong việc đầu tư nuôi hàu thương phẩm.
Do đó, số lượng người nuôi hàu tăng dần, mô hình nuôi hàu phát triển nhanh chóng tại xã.
Năm 2014, diện tích nuôi hàu là 2ha, đến nay, diện tích nuôi tăng 3,5ha với 120 hộ nuôi tại các ấp Thới An, Thới Hòa 1, Thới Lợi 2.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục xin kiến nghị về các cấp trên tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi hàu cho người dân, góp phần giúp người dân nuôi hàu đạt hiệu quả.
Đồng thời, vận động người dân nuôi hàu theo đúng phần diện tích ở các cửa sông, tránh lấn chiếm lòng sông, gây cản trở cho việc lưu thông tàu thuyền, góp phần hướng tới phát triển mô hình hàu phát triển kinh tế ổn định cho người dân”.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi hàu thương phẩm đã giúp cho bà con vùng biển xã Thới Thuận vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Để nghề nuôi hàu phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có nhiều kế hoạch cụ thể nhằm phát triển bền vững mô hình nuôi hàu, giúp người dân làm giàu chính đáng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao