Mô hình kinh tế Ôm Nợ Vì Cao Su

Ôm Nợ Vì Cao Su

Publish date Friday. February 28th, 2014

Dù cao su vào chu kỳ khai thác nhưng giá xuống quá thấp, tiền bán mủ không đủ chi phí, người trồng cao su tại huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) phải chặt bỏ. Ân hận vì chạy theo phong trào trồng cao su một cách tự phát thì đã muộn…

Thua lỗ nặng nề

Năm 2007, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lễ và Thái Thị Mai từ miền Bắc vào thôn Đăk Tâm, xã Đăk Drô lập nghiệp và mua được 2ha rẫy. Thấy người dân nơi đây phá bỏ cà phê, hoa màu để trồng cao su, anh cũng đầu tư trồng 700 cây trên diện tích 1,5ha. Sau 7 năm đầu tư, cao su bắt đầu cho mủ, anh Lễ tiến hành cạo bán với hy vọng thu lại vốn.

Ban đầu, anh mở miệng cạo trên 400 cây, tuy nhiên cây cao su cho mủ rất ít, mỗi ngày chỉ thu được từ 20-30kg. Cùng lúc này, giá mủ nước bị rớt thê thảm, từ 30.000-40.000 đồng xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg. Mỗi ngày tiền thu về từ bán mủ được khoảng 300.000 đồng, trừ hết chi phí khoản tiền còn lại chưa đến 150.000 đồng. Chán nản, cuối tháng 2.2014, anh đã quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn cao su, cày xới lại đất, đào hố để chuẩn bị trồng cà phê.

Hôm chúng tôi đến thăm, nhìn cây cao su nằm ngổn ngang, chén đựng mủ, gông đỡ, dao cạo vứt khắp nơi quanh vườn, quanh nhà mà không khỏi xót xa. Hỏi anh Lễ sao không bán cây, anh cho biết cao su còn quá nhỏ nên thương lái cũng chẳng thèm mua, đành vứt đống quanh nhà chờ khô làm củi...

Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Hào cũng trồng hơn 1ha cao su và đang bước sang năm thứ 7. Cao su đã cho thu nhưng anh chưa dám cạo bởi thấy giá mủ nước quá thấp. Nhàn rỗi, anh chuyển sang đi thu mua mủ. Thời gian đầu nhiều vườn đồng loạt cạo nên việc mua mủ cũng khá thuận lợi, tuy nhiên do cao su cho mủ ít, giá lại xuống thấp nên các chủ vườn 2-3 ngày mới cạo 1 lần. Việc thu mua gián đoạn nên anh Hào cũng thôi nghề mua mủ.

Có thể chặt bỏ 30% diện tích

Theo ông Vũ Hoàng Phú, điệp khúc “trồng-chặt” xảy ra không chỉ riêng với cây cao su mà ở còn nhiều cây trồng khác. Bởi tâm lý người dân trồng theo phong trào, chạy theo lợi ích trước mắt, ngành nông nghiệp đã nhiều lần khuyến cáo, tuy nhiên vẫn chưa làm thay đổi được nhận thức người dân.

Ông Ninh Công Long - Trưởng thôn Đăk Tâm vừa nghe phóng viên đề cập đến cây cao su, ông đã lắc đầu ngao ngán bởi chính ông cũng đang “mắc kẹt” với 1ha cao su. Dù đã vào kỳ cho mủ nhưng ông không thèm cạo bởi cao su cho mủ rất ít, tiền bán mủ không đủ trả tiền công.

Theo ông Long, thôn Đăk Tâm có diện tích cao su lớn nhất trong xã với trên 50ha. Toàn bộ diện tích này được trồng từ năm 2007 và đều có chung đặc điểm là mủ ít, 1ha chỉ thu được 20-30kg.

Ông cho biết, hiện nhiều hộ đã rục rịch chặt bỏ cây cao su với hình thức cuốn chiếu hoặc chặt tỉa để trồng xen các loại cây khác. Họ chưa dám chặt bỏ một lần bởi còn nấn ná vì… tiếc. Bản thân ông Long cũng muốn chặt bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng cà phê nhưng chưa dám, bởi ông là trưởng thôn, đang đi vận động bà con, nếu ông chặt bỏ bà con sẽ ồ ạt chặt theo ngay.

Theo ông Vũ Hoàng Phú – Phó phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô, toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn được người dân trồng tự phát từ những năm 2000, trong đó các xã trồng nhiều là Nam N’Dir, Nâm Nung, Tân Thành, Đăk Drô, Đăk Mâm… diện tích trung bình mỗi xã từ 300 -1.000ha.

Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020 diện tích cao su của huyện sẽ ổn định ở mức 7.000ha, nhưng hiện nay người dân đã trồng gần 6.000ha. Trong đó, khoảng 30% diện tích cao su sẽ có nguy cơ bị chặt bỏ bởi không hợp với thổ nhưỡng, cây cao su cho mủ rất ít, không mang lại hiệu quả kinh tế.


Related news

giong-yeu-to-hang-dau-trong-nuoi-tom Giống Yếu Tố Hàng Đầu… se-ap-dung-cong-nghe-so-che-bao-quan-hanh-tim Sẽ Áp Dụng Công Nghệ…