Mô hình kinh tế Phát Triển Ồ Ạt Tôm Chân Trắng Tôm Rớt Giá Và Bài Học Cung Cầu

Phát Triển Ồ Ạt Tôm Chân Trắng Tôm Rớt Giá Và Bài Học Cung Cầu

Publish date Thursday. April 17th, 2014

Mùa tôm mới 2014 ở Cầu Ngang, Duyên Hải… Trà Vinh đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy mới đầu vụ nhưng giá tôm giảm mạnh, 1 tấn tôm thẻ chân trắng nông dân mất lãi từ 30 đến 50 triệu đồng.

Tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng hay chuyển sang nuôi tôm sú trong điều kiện giá cả bất lợi như hiện nay là vấn đề bức xúc được lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng và nông dân quan tâm.

Hàng ngàn nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú (Trà Vinh) đang “mất ăn mất ngủ” vì mấy ngày gần đây tôm liên tục rớt giá. Giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm được các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện Cầu Ngang những ngày gần đây rất thấp.

Tôm loại 100 con giá 97.000 đồng/kg; loại 75 con giá 115.000 đồng/kg; loại 50 con giá 124.000 đồng/kg, giảm từ 30.000 đồng đến gần 60.000 đồng/kg so với vụ nuôi năm 2013. Với mức giá này lợi nhuận người nuôi tôm thẻ chân trắng giảm từ 30 đến 60%.

Ông Phạm Văn Quắn, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, cho biết: “Do giá tôm thẻ giảm bất thường nên tôi vừa thu hoạch hơn 2,7 tấn tôm để bán gấp cho thương lái với giá 120.000 đồng/kg (tôm loại 75 con/kg); giá này mỗi kg đã giảm hơn 20.000 đồng so với vụ trước nhưng vẫn còn lời được 140 triệu đồng”.

Cùng cánh đồng nuôi tôm và thả tôm 1 ngày với ông Quắn, với diện tích 4000m2 thả nuôi hơn 200 ngàn con giống tôm thẻ chân trắng nhưng do thu hoạch chậm 1 ngày nên thương lái giảm giá mua xuống còn 110.000 đồng/kg. Bán 2,8 tấn tôm bà Phạm Thị Gặp, ấp 5, xã Mỹ Long Nam bị mất lãi gần 30 triệu đồng. Không riêng bà Gặp mà liên tiếp những ngày gần đây nông dân nuôi tôm chân trắng “bất an” do giá liên tục giảm mạnh.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN&PTNT Cầu Ngang, đánh giá: Do vụ trước tôm thẻ chân trắng trúng giá đậm, nên năm nay đa số người nuôi tôm ở Cầu Ngang và các tỉnh ven biển ĐBSCL ào ạt bỏ tôm sú để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Giá tôm thẻ giảm mạnh ngay đầu vụ đã khiến người nuôi lo lắng, bởi vài tháng tới sẽ vào vụ thu hoạch rộ dự báo giá sẽ còn giảm nữa.

Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT Cầu Ngang: Vụ nuôi tôm năm 2014, đến nay đã có 1.540 lượt hộ thả nuôi 130 triệu con tôm sú, trên diện tích 755 ha (đạt 37,60% diện tích so với kế hoạch). Trong khi đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh, có 3.925 lượt hộ thả nuôi gần 1,1 tỷ con thẻ chân trắng, trên diện tích hơn 2.000 ha (đạt 68% diện tích so với kế hoạch).

Đến nay, đã có 35 hộ thu hoạch 3,3 triệu con tôm sú, trên diện tích 15 ha, đạt sản lượng 34,67 tấn; 686 hộ thu hoạch 145 triệu con tôm thẻ chân trắng, trên diện tích 310 ha, đạt sản lượng trên 1.470 tấn. Trong đó: 508 hộ lãi, 32 hộ hòa vốn và 146 hộ lỗ vốn.

Tại huyện Duyên Hải, đến nay có 8.065 hộ thả nuôi thủy sản, với hơn 808 triệu con giống trên diện tích mặt nước 18.734 ha và thu hoạch được trên 1.224 tấn thủy sản thương phẩm. Trong này, có 1.193 hộ thả nuôi hơn 335 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, diện tích là 671 ha. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng thương phẩm thu hoạch được gần 930 tấn.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL, nguyên nhân tôm thẻ chân trắng giảm giá do hiện nay Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… nghề nuôi tôm thẻ đã hạn chế được dịch bệnh và sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng lên, cộng thêm vào đó Trung Quốc, Nhật Bản,… dừng mua tôm thẻ chân trắng nguyên liệu.

Từ đó, do nguồn cung trên thị trường dồi dào trở lại đã khiến giá giảm. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng làm cho giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm sụt giảm trong thời gian gần đây là do diện tích thả nuôi ồ ạt, cung vượt cầu nên giá tôm giảm mạnh.

Tiếp tục nuôi tôm thẻ chân trắng hay quay lại nuôi tôm sú đang là câu hỏi cần sớm có lời giải của nhà khoa học và ngành chức năng. Bởi lẽ, hiện nay tình hình bùng nổ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL đang dự báo nhiều bất lợi về giá cả và môi trường cũng như nguy cơ về dịch bệnh.

Phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng như thế nào để đảm bảo điều kiện (thủy lợi, điện...) cho các vùng nuôi, không phá vỡ quy hoạch các đối tượng nuôi trồng khác, không để "trúng mùa, dội chợ" và người nuôi đạt được hiệu quả cao... là những vấn đề đang đặt ra đối với các địa phương và ngành chức năng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh ở các địa phương: Cà Mau (tăng gấp 5 lần), Trà Vinh (tăng 4 lần), Sóc Trăng (tăng 167%), Bạc Liêu (tăng 118%)...

Tại những địa phương này, tôm thẻ chân trắng đã được nuôi song song với tôm sú trong vài năm gần đây ở vùng nước lợ. Thậm chí, hiện nay, nhiều vùng nước ngọt nông dân cũng nuôi tôm thẻ chân trắng.


Related news

tom-rot-gia-manh-nguoi-dan-khong-nen-thu-hoach-o-at Tôm Rớt Giá Mạnh, Người… dap-tat-dich-cum-gia-cam-h5n1-tren-ca-nuoc Dập Tắt Dịch Cúm Gia…