Mô hình kinh tế Phòng Chống Khẩn Cấp Dịch Cúm Gia Cầm

Phòng Chống Khẩn Cấp Dịch Cúm Gia Cầm

Publish date Monday. December 23rd, 2013

Bộ NNPTNT vừa ra chỉ thị phòng chống khẩn cấp các dịch cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8.

Từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở các tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu huỷ là 141.687 con.

Ngoài ra, dịch cúm gia cầm còn xảy ra trên chim trĩ và chim cút thuộc tỉnh Tiền Giang và chim yến thuộc tỉnh Ninh Thuận. Mặt khác, trong thời gian tới, các tỉnh phía Bắc sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng và nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xảy ra trên diện rộng là rất cao.

Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra ở 12 tỉnh tại Trung Quốc làm 140 người mắc bệnh và đã gây tử vong 47 người, đặc khu hành chính Hong Kong có 2 người mắc bệnh và Đài Loan có 1 người mắc bệnh. Theo thông tin từ phía Trung Quốc, tại tỉnh Giang Tây có 1 trường hợp mắc bệnh cúm A/H10N8 và đã tử vong vào ngày 6/12/2013, loại virus cúm này tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người.

Mặc dù dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng...

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Trong đó cần thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để dịch lây lan; khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu huỷ ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm nhiễm bệnh.

Các địa phương cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Các tỉnh biên giới tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của virus cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt không còn khả năng làm lây lan dịch bệnh, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý trình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.

Cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, phù hợp với các chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành.

Công tác tuyên truyền cần tổ chức sâu rộng cho người dân về tác hại của bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt không ăn tiết canh, gia cầm mắc bệnh, chết; khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để báo cáo cấp trên, đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch kịp thời.


Related news

2-600-ty-dong-phat-trien-thuy-hai-san-o-dong-bang-song-cuu-long 2.600 Tỷ Đồng Phát Triển… trung-mua-ca-com-cuoi-nam Trúng Mùa Cá Cơm Cuối…