Tin nông nghiệp Quản lý cỏ dại vụ hè thu

Quản lý cỏ dại vụ hè thu

Author Hoàng Vũ - Thanh Tuyền, publish date Saturday. April 10th, 2021

Muốn quản lý cỏ dại hiệu quả, bà con cần kết hợp đồng loạt nhiều phương pháp. Trước hết là dọn sạch tàn dư thực vật ở vụ trước và chọn giống tốt, chọn giống đóng vai trò rất quan trọng vì đó là tiền đề của thành công.

Ruộng lúa sạch cỏ mang đến cho nông dân sự an tâm trong canh tác

Cỏ dại luôn được nhắc đến kèm theo những tác động xấu đến cây lúa như: làm cây kém phát triển, giảm năng suất và chất lượng thành phẩm. Cỏ dại còn là ký chủ phụ của nhiều loại dịch hại mà lại có sức sinh trưởng mạnh, sức sống dài hơn so với lúa. Đồng thời miên trạng (thời gian ngủ nghỉ) có thể thay đổi và lưu tồn lâu trong đất, giữ được sức nảy mầm trong thời gian tương đối dài, tạo nên một nguồn hạt cỏ liên tục trong mọi mùa vụ, gây khó khăn và tốn kém cho công tác phòng trừ.

Muốn quản lý cỏ dại hiệu quả, bà con cần kết hợp đồng loạt nhiều phương pháp. Trước hết là dọn sạch tàn dư thực vật ở vụ trước và chọn giống tốt, chọn giống đóng vai trò rất quan trọng vì đó là tiền đề của thành công, bà con nên ưu tiên chọn giống tại những nơi cung cấp uy tín, đảm bảo độ thuần theo quy định, không lẫn tạp chất, nhất là không lẫn hạt cỏ. Nông cụ sử dụng cũng cần được vệ sinh nhằm tránh lây nhiễm nguồn dịch hại, trong đó có cỏ dại. Một vấn đề quan trọng khác là cần hiểu rõ tầm quan trọng của khâu làm đất, làm đất kỹ góp phần vùi sâu hạt cỏ, hạn chế sự nảy mầm.

Bà con cần sang bằng mặt ruộng, đồng thời phải đánh rãnh thoát nước tốt để chủ động được lượng nước. Khi ruộng bằng phẳng và đủ ẩm thì thuốc sẽ trãi đều khắp mặt ruộng, hạn chế hiện tượng nơi quá nhiều thuốc, nơi lại ít hoặc không có tác động của thuốc thì cỏ vẫn mọc bình thường, đồng thời nguồn nước còn góp phần ém cỏ. Khi đã phối hợp những việc làm cụ thể thì trong quản lý cỏ dại vẫn còn một phần không thể thiếu, giúp bà con giảm thiểu công lao động trong việc đối phó với loại dịch hại này, đó chính là thuốc diệt cỏ.

Bà con cần lưu ý đến 2 thời điểm cần tác động thuốc là tiền nảy mầm và hậu nảy mầm. Thuốc phun giai đoạn tiền nảy mầm là thuốc có tác động diệt cỏ khi hạt cỏ chưa mọc thành cây mà chỉ mới có mầm, thông thường để đạt hiệu quả tối ưu thì loại thuốc này được khuyến cáo sử dụng ở thời điểm 0 – 3 ngày sau sạ (NSS), phun càng sớm sẽ cho hiệu quả càng cao. Thuốc phun giai đoạn hậu nảy mầm thì sẽ có tác động diệt cỏ sau khi cỏ đã mọc và có lá.

Lưu ý khi dùng thuốc cỏ hậu nảy mầm này là bà con không được phun quá sớm hoặc quá trễ, bởi vì nếu phun quá sớm thì rất dễ gây nên tác động tiêu cực đến cây lúa và lúc đó cỏ trên ruộng cũng chưa mọc hết, về sau bà con lại tốn kém để phun bổ sung, còn nếu phun quá trễ thì sẽ không thể tiêu diệt triệt để nếu giữ nguyên liều lượng do lúc này sức đề kháng của cỏ đã mạnh, muốn đạt hiệu quả thì lại phải tăng liều, gây nên các tốn kém không cần thiết. Hợp lý nhất đối với loại thuốc hậu nảy mầm này là bà con nên phun khi cỏ 2 – 3 lá, thời điểm này sẽ mang lại hiệu quả tối ưu và tiết kiệm chi phí nhất.

Đối với bất kỳ dịch hại nào thì tuân thủ 4 đúng vẫn rất quan trọng, giúp cho hiệu quả đạt được như mong muốn mà lại an toàn cho sự phát triển của lúa. Bà con có thể sử dụng 2 sản phẩm diệt cỏ: Windup 500EC và Push 330EC. Windup 500EC là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm với hoạt chất diệt cỏ và chất an toàn cao, giúp tiêu diệt hầu hết các nhóm cỏ mà lại an toàn tuyệt đối cho mầm lúa. Push 330EC là thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm, đặc trị lồng vực và đuôi phụng với sự phối hợp của hai hoạt chất diệt cỏ đem tới hiệu quả cao, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho sự phát triển của lúa.


Related news

quan-ly-co-dai-dau-vu-dong-xuan-o-dbscl Quản lý cỏ dại đầu… phuc-hoi-vuon-cay-an-trai-sau-han-man Phục hồi vườn cây ăn…