Mô hình kinh tế Quang Bình Phát Triển Kinh Tế Vườn, Đồi

Quang Bình Phát Triển Kinh Tế Vườn, Đồi

Publish date Tuesday. August 5th, 2014

Từ thực tiễn sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp của một số hộ dân trên địa bàn, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã phát động phong trào cải tạo vườn đồi, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cải tạo vườn tạp, đồi tạp

Lạc giữa những đồi cam sành trĩu quả của gia đình chị Nguyễn Thị Tiến và nhiều hộ dân ở thôn Yên Thượng, chúng tôi ngạc nhiên khi biết vài năm trước, nơi đây vốn là vùng lau lách, hoang hóa.

Vĩ Thượng cách trung tâm huyện gần 30 km, có tám thôn với gần sáu nghìn người gồm nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩ Thượng Nông Viết Đoài, tuy có tiềm năng về phát triển nông nghiệp nhưng do tập quán canh tác cũ, giao thông khó khăn, việc sử dụng vườn, đồi của người dân vì thế chưa phù hợp, hiệu quả thấp. "Làm thế nào để phát huy được cao nhất hiệu quả kinh tế vườn, đồi?".

Trăn trở của cán bộ, đảng viên trong xã được "hóa giải" qua cách làm của gia đình chị Nguyễn Thị Tiến, Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Yên Thượng.

Sau khi cải tạo diện tích đồi tạp của gia đình, năm 2010, chị Tiến đã trồng được gần 300 cây cam sành ghép và một số cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Từ khâu làm đất, chọn mua cây đến chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, chị đều áp dụng đúng kỹ thuật, vì thế cây sinh trưởng tốt, cho quả to và ngọt. Chị Tiến cho biết: Với giá mua tại vườn hiện nay, tôi dự tính thu hơn vụ trước vài chục triệu đồng.

Huyện Quang Bình ở vùng núi thấp, là đầu mối giao thông quan trọng phía tây nam của tỉnh Hà Giang, có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Qua nghiên cứu thực tế một số mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao của người dân trên địa bàn, Huyện ủy Quang Bình đã ban hành Nghị quyết số 10 về xây dựng mô hình cải tạo vườn, đồi gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình Cao Xuân Đồng cho biết: Với phương châm mọi việc xây dựng nông thôn mới đều xuất phát từ lợi ích của người dân, lấy hộ dân làm trung tâm, năm 2012, huyện chỉ đạo làm điểm ở 75 gia đình tại 15 thôn ở 15 xã với diện tích vườn tạp gần 30 ha, 80 ha diện tích đồi tạp.

Với diện tích đồi tạp, huyện hỗ trợ người dân cải tạo để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp, phù hợp thực tế và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Huyện, xã còn tổ chức nhiều cuộc giao lưu, vinh danh các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo điều kiện để mọi người gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, cách làm, thường xuyên đúc rút phương pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng vận động, tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt, nêu gương thực hiện nghị quyết trong cán bộ, đảng viên.

Nhờ đó, người dân ngày càng thấy rõ hiệu quả và giá trị kinh tế vườn, đồi. Số hộ ở thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng nói riêng và toàn huyện nói chung tham gia thực hiện mô hình ngày càng tăng, diện tích vượt so kế hoạch, không ít gia đình thoát nghèo, có thêm nguồn thu ổn định.

Từ đầu năm đến nay, nhân dân các xã trong huyện đã hiến hàng nghìn m 2 đất cùng hơn ba nghìn ngày công để xây dựng nhiều công trình công cộng, làm được gần 10 km tuyến đường giao thôn nông thôn, cải tạo và trồng mới các loại cây được hàng trăm ha diện tích vườn, đồi, hướng đến xây dựng những cánh đồng mẫu lớn.

Nhân rộng mô hình nhà sạch, vườn đẹp

Hưởng ứng chủ trương của huyện, sau khi được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, gia đình ông Vũ Văn Hải ở thôn Yên Thượng đã cải tạo vườn, đồi và trồng được gần 400 gốc cam sành ghép cành.

Ông Hải tâm sự, được cán bộ tuyên truyền, vận động, tôi hiểu rằng, cùng với phát triển kinh tế thì việc cải tạo cảnh quan, môi trường sống trong lành cho gia đình từ những vườn cây ăn quả cũng rất quan trọng, vừa thân thiện môi trường, lại vừa có thêm thu nhập.

Chung suy nghĩ ấy, ở huyện Quang Bình hiện đã có thêm hàng nghìn gia đình xây dựng thành công mô hình "nhà sạch, vườn đẹp".

Đến Yên Thượng hôm ấy, chúng tôi còn vui lây khi được chứng kiến 16 con lợn con được giao tận tay tám gia đình. Các hộ nuôi lợn giống còn hướng dẫn cách nuôi cho từng người.

Tiên phong thực hiện Chương trình giúp hộ nghèo thông qua hộ có điều kiện của huyện Quang Bình, đảng viên Phạm Trọng Lờm chia sẻ: Gia đình tôi vốn có kinh nghiệm nuôi lợn, cho nên, huyện giao hẳn cho tôi hai con lợn giống, với quy định khi lợn đẻ thì giao sáu con cho ba hộ nghèo.

Đôi lợn của tôi đẻ được 16 con. Hôm nay tôi giao cặp thứ ba, bốn con giao cho hai gia đình trong thôn hồi tháng trước hiện vẫn lớn nhanh, ăn khỏe.

Bí thư Huyện ủy Quang Bình Lê Quang Minh cho biết, mô hình giúp hộ nghèo thông qua hộ có điều kiện là một trong nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện. Thực tế ở Quang Bình cho thấy, những "ngân hàng" lợn, trâu, bò,... là "quỹ" do cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia ủng hộ.

Các nguồn quỹ này không những góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện mà còn kích thích nhân rộng tổng đàn gia súc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn phân bón dồi dào để nông dân cải tạo vườn, đồi, sản xuất đạt hiệu quả cao.


Related news

vuot-rao-can-trong-xuat-khau-thuy-san Vượt "Rào Cản" Trong Xuất… nuoi-ca-bop-cho-thu-nhap-cao Nuôi Cá Bớp Cho Thu…