Mô hình kinh tế Sử Dụng Tài Nguyên Nước Còn Lãng Phí

Sử Dụng Tài Nguyên Nước Còn Lãng Phí

Publish date Thursday. February 27th, 2014

Những năm gần đây, ngành chức năng đã liên tục cảnh báo về sự suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hơn tài nguyên nước.

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế xảy ra ở Đắk Nông hiện nay là việc sử dụng nước ngầm, nước mặt của người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn gây lãng phí, vi phạm pháp luật.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì do điều kiện của một tỉnh mới thành lập nên ngành chức năng chưa có đầy đủ nhân lực, phương tiện để tiến hành điều tra, khảo sát về trữ lượng nước ngầm của tỉnh một cách chính xác.

Đến nay, chỉ mới có một số dự án, tổ chức thực hiện việc quan trắc về tài nguyên nước ngầm của tỉnh. Trong đó, mới chỉ quan trắc trữ lượng nước ở 7 vùng gồm: Quảng Khê (Đắk Glong), Đắk Nia (Gia Nghĩa), Đắk N’Drung, Nam Bình (Đắk Song), Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), Đắk Búk So (Tuy Đức) và Đắk Lao (Đắk Mil).

Việc quan trắc này chưa thể đánh giá được tổng thể về trữ lượng nguồn nước dưới đất nên hiện tại tỉnh vẫn chưa có  quy hoạch cụ thể về việc quản lý, sử dụng nguồn nước này. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức khai thác nước ngầm với nhiều mục đích sử dụng khác nhau vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Nhiều doanh nghiệp, dự án thủy điện sử dụng nước ngầm, nước mặt với khối lượng lớn mỗi năm, nhưng không làm hồ sơ thủ tục để được cấp phép khai thác.

Cụ thể, qua kiểm tra của ngành chức năng vào cuối năm 2012, các doanh nghiệp như Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đắk Song, Công ty Cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh (Chư Jút) đều khai thác, sử dụng nguồn nước không phép.

Vì vậy, qua kết quả khảo sát gần đây của cơ quan chuyên môn, mực nước ngầm ở một số vùng của các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Đắk Song đã giảm xuống trầm trọng, so với năm 2006, sụt xuống khoảng 3-5m. Do đó, những năm gần đây, việc khan hiếm nguồn nước đang gây ra những ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây cà phê.

Với một giếng khoan khoảng 25- 30 m, những năm trước, nông dân các huyện Đắk Mil, Chư Jút có thể tưới cho khoảng 2 ha cà phê, nhưng nay chỉ đủ tưới cho khoảng 1 ha. Mùa khô 2013-2014 được dự báo là còn khắc nghiệt hơn nhiều năm, nên người trồng cà phê cần có ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, bảo vệ tài nguyên.

Cụ thể, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Mil thì hiện nay, hầu hết người dân trồng cà phê sử dụng nước dưới đất để tưới đều chưa có ý thức về việc sử dụng tiết kiệm, đều tưới theo kinh nghiệm, mỗi năm có thể tưới đến 4- 5 lần theo lượng nước hút được từ giếng khoan, ao hồ nên gây lãng phí rất lớn.

Tính trung bình mỗi lần tưới nông dân có thể lãng phí từ 200- 300 lít nước/ gốc cà phê. Những năm gần đây, mùa khô ở tỉnh ta và các tỉnh Tây Nguyên ngày càng kéo dài, nếu người dân không sử dụng nước tưới từ các giếng khoan một cách tiết kiệm, hợp lý thì việc nguồn nước ngầm bị cạn kiệt sẽ sớm xảy ra. Lúc đó, không chỉ nguồn nước phục vụ sản xuất bị cạn mà cho sinh hoạt cũng không còn.

Mặt khác, hiện nay công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác nguồn nước ngầm cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù lực lượng chức năng hàng năm đều tổ chức đi kiểm tra, thanh tra, xử phạt, nhưng tình trạng các cá nhân hành nghề khoan giếng không được cấp phép vẫn diễn ra.

Thêm vào đó, nhiều giếng khoan không sử dụng, bị bỏ phế, không được trám, lấp đúng kỹ thuật, dẫn đến các nguy cơ sụp lún tầng khai thác, suy thoái tầng nước, hoặc ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Theo quy định của UBND tỉnh về việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh thì có 3 mức độ là: không phải xin phép, nhưng phải đăng ký tại xã, phường; phải đăng ký tại huyện, thị xã và phải được UBND tỉnh cấp phép.

Trong đó, chỉ tính riêng nhu cầu khai thác nước ngầm sử dụng trong nông nghiệp với lưu lượng nhỏ hơn 0,02 m3/s và mục đích khác nhỏ hơn 100 m3/ngày, đêm phải được UBND tỉnh cấp phép, nhưng vẫn không thể quản lý hết.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì việc quản lý, sử dụng nước ngầm một cách hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành liên quan. Trong đó, việc tăng cường cán bộ chuyên môn tại cơ sở là rất cần thiết để có thể quản lý, giám sát, theo dõi sự khai thác nước ngầm ngay tại các địa phương.

Sở cũng đã có các văn bản đề nghị tỉnh kêu gọi các dự án thực hiện việc điều tra, quan trắc, đánh giá tổng thể về nguồn nước ngầm để từ đó có sự quy hoạch cụ thể trong quản lý, sử dụng nước hiệu quả cho từng huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Trong đó, chú trọng vào việc sử dụng nguồn nước vào đa mục đích như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với biến đổi khí hậu. Nhất là đối với các nguồn nước lớn từ các khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Nâm Nung…


Related news

nong-dan-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-san-xuat-lua-dat-hieu-qua-cao Nông Dân Áp Dụng Khoa… trong-ca-phe-can-chon-giong-co-chat-luong Trồng Cà Phê, Cần Chọn…