Tin thủy sản Thắng lớn nhờ vi sinh

Thắng lớn nhờ vi sinh

Author TSVN, publish date Friday. May 11th, 2018

Sau thành công với chế phẩm vi sinh tự chế ở vụ nuôi năm 2017, được sự tư vấn của TS Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Hóa sinh Việt Nam, ông Võ Thanh Vân, hội viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) tiến thêm một bước mới trong việc sử dụng vi sinh vào nuôi tôm bằng chiến thuật “biển người” thay cho hóa chất diệt khuẩn trong quá trình xử lý nước. Ông đã tiếp tục có được thành công ngay ở vụ nuôi đầu tiên của năm 2018 này.

Dù gặp bất lợi nhưng 4 ao thu hoạch vẫn mang đến cho ông lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng 

Khi nghe TS Nguyễn Văn Năm giới thiệu quy trình sử dụng hoàn toàn bằng vi sinh mà không cần phải sử dụng đến chất diệt khuẩn trong xử lý nước nuôi tôm tại Hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm” do Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tổ chức vào đầu tháng 2/2018, ông Vân rất tâm đắc và áp dụng ngay vào 11 ao nuôi bằng chính chế phẩm vi sinh của mình sản xuất. Ông Vân chia sẻ: “Là người sản xuất chế phẩm vi sinh, nên tôi hiểu thế nào là sự cạnh tranh sinh học trong môi trường nuôi tôm. Vì vậy, khi được nghe TS Năm chia sẻ quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh thay cho thuốc diệt khuẩn khi xử lý nước tôi rất tâm đắc và áp dụng ngay cho toàn bộ ao nuôi của mình”.

Ông Vân kể: “Do mình không diệt khuẩn lại thêm thời tiết bất lợi nên khi tôm được 16 ngày tuổi tôi đã phát hiện có ao bị bệnh gan tụy. Các ao còn lại cố gắng cầm cự, nhưng ao nào cao lắm cũng chỉ đến 45 ngày là phát hiện có bệnh gan tụy. Nếu như trước đây, gặp trường hợp như thế này coi như bỏ ao thua trắng, nhưng lần này tôi quyết định dùng chính sản phẩm vi sinh của mình để “ăn thua đủ” với bệnh gan tụy xem sao. Kết quả là tất cả 11 ao đều vượt qua được và đã có 4 ao thu hoạch”.

Theo ông Vân, để thay cho việc diệt khuẩn bằng thuốc, ông sử dụng 3 - 5 kg vi sinh có mật số 1010 cho 1.000 m3 theo định kỳ 3 ngày/lần. Lúc đầu, màu nước vẫn rất tốt nhưng sau đó phát hiện tôm có biểu hiện của bệnh gan tụy giai đoạn 16 - 45 ngày tuổi. Ông Vân chia sẻ: “Khi phát hiện tôm bị bệnh gan tụy, tôi lập tức ngưng cho ăn đồng thời tăng cường lượng vi sinh lên 10 - 20 kg/1.000 m3 liên tục từ 5 - 7 ngày để áp đảo vi khuẩn gây bệnh. Sau khi tăng lượng vi sinh, kiểm tra lại tôi thấy tôm bắt đầu ăn bình thường và đối chiếu với lượng thức ăn mỗi ngày, thấy số hao hụt do bệnh rất ít”.

Ông Vân tự nhân sinh khối sản xuất chế phẩm vi sinh thay cho diệt khuẩn trong xử lý nước và đối kháng vi khuẩn gây bệnh 

Tuy vượt qua được bệnh gan tụy, nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, ông Vân buộc phải thu hoạch 4 ao (tổng diện tích 18.000 m2) khi tôm khoảng 70 ngày tuổi. Ông Vân cho biết thêm: “Do tôm chậm lớn nên chỉ thu được tôm cỡ 100 con/kg, tổng sản lượng gần 15 tấn, thu được gần 1,4 tỷ đồng, tính ra lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Hiện tại, trong 7 ao còn lại, có 4 ao tôm được trên 60 ngày tuổi và 3 ao trên 30 ngày tuổi đang phát triển rất tốt, nên hy vọng năng suất và lợi nhuận sẽ cao hơn”.

Sau thành công bước đầu với chiến thuật “biển người” thay cho diệt khuẩn, ông Vân tự tin cho biết: “Nếu có được vi sinh tốt, đảm bảo mật số, việc xử lý nước tới đây không cần phải sử dụng đến thuốc diệt khuẩn nữa. Hơn nữa, với mật số áp đảo cao, các vi sinh có ích còn có khả năng ức chế sự phát triển của các dòng vi khuẩn gây bệnh, kể cả bệnh hoại tử gan tụy. Điều này không chỉ có tôi kiểm chứng được mà trước đó, trang trại Tân Nam của Công ty Sao Ta cũng đã thực hiện rất thành công và chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên của Hiệp hội”.

Hiện nay, giá tôm đang xuống thấp, nên theo ông Vân, người nuôi tôm cần nắm bắt các quy trình mới, nhất là việc ứng dụng vi sinh vào các khâu trong nuôi tôm để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, tôm bán được giá thì mới mong có được mức lợi nhuận, còn không sẽ gặp khó khăn.


Related news

trong-rong-bien-va-nhung-loi-ich-bat-ngo Trồng rong biển và những… giam-stress-cho-tom-bang-che-pham-sinh-hoc Giảm stress cho tôm bằng…