Tin thủy sản Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi trồng thủy sản

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi trồng thủy sản

Author Thanh Huyền, publish date Saturday. July 13th, 2019

Phát huy lợi thế là xã duyên giang, nhiều hộ dân ở xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đã chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình ông Cao Hải Đường, thôn Đông Tiến là một điển hình.

Gia đình ông Cao Hải Đường (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi trồng thủy sản.

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, gia đình ông Đường cấy gần 4 mẫu ruộng nhưng kinh tế vẫn bấp bênh. Sau khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình ông Đường mạnh dạn tham gia. Học hỏi kinh nghiệm bà con địa phương, ông Đường vay vốn xây dựng gia trại, tập trung nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi. Với diện tích gia trại hơn 1ha, trong đó chủ yếu là diện tích mặt nước nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm cỏ, trắm đen, trôi, chép.

Đặc biệt những năm gần đây, thực hiện chủ trương của xã chuyển đổi diện tích nuôi cá truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2019 ông Đường đã cải tạo ao nuôi với diện tích hơn 1.000m2 để nuôi tôm. Mỗi năm, gia trại cung cấp cho thị trường gần 6 tấn cá cùng với các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng. Với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, từ đầu năm 2019 đến nay đã thu được một vụ, sau khi trừ chi phí cho lãi hơn 20 triệu đồng, hiện ông Đường đã cải tạo xong ao đầm và nuôi thả vụ tôm thứ hai.

Ông Đường cho biết: Từ khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa. Nhờ chủ động thực hiện các điều kiện cần thiết, trong đó chú trọng công tác cải tạo ao đầm mỗi khi bước vào vụ nuôi mới mà nhiều năm nay diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình hạn chế phát sinh dịch bệnh, các đối tượng nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Để có kiến thức nuôi trồng thủy sản, tôi thường xuyên tham gia những lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế do HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã tổ chức. Dự định thời gian tới gia đình tôi tiếp tục cải tạo ao đầm, đầu tư mua thêm giống cá vược cho giá trị kinh tế cao vào nuôi thả, đồng thời đấu thầu thêm diện tích bãi đầm để khai thác nguồn lợi tự nhiên như cua, cáy.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Toàn xã có 140ha nuôi trồng thủy sản gồm diện tích mặt nước nuôi tôm, cá và diện tích khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên như cua, cáy, rươi. Để bà con yên tâm phát triển sản xuất, HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi; liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ về giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản cho các hộ nuôi; tổ chức liên kết sản xuất và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản như làm đường giao thông, cải tạo, nạo vét kênh mương, tu sửa cống đập, chủ động hệ thống tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ việc xả thải để bảo đảm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, nhờ chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)


Related news

tap-huan-ky-thuat-nuoi-tom-hai-giai-doan Tập huấn kỹ thuật nuôi… xuat-khau-thuy-san-nua-cuoi-nam-se-dat-5-ty-usd Xuất khẩu thủy sản nửa…