Mô hình kinh tế Thuế Xuất Khẩu Cá, Tôm Vào Mỹ Còn Nhiều Bất Hợp Lý

Thuế Xuất Khẩu Cá, Tôm Vào Mỹ Còn Nhiều Bất Hợp Lý

Publish date Wednesday. April 9th, 2014

Cá tra và tôm là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu rất lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất, nhưng cũng là thị trường luôn gây hồi hộp vì chuyện áp thuế chống bán phá giá hàng năm.

Đó là chưa nói đến việc Luật Nông trại Mỹ (Farm Bill) chuyển việc kiểm soát mặt hàng cá tra từ cơ quan FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm) sang USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) với những yêu cầu nghiêm ngặt hơn cho sản phẩm cá tra phi lê vào nước này.

Tưởng giảm mà không giảm

2 tuần qua, chuyện thời sự về con cá tra và con tôm lại nóng lên với việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét hành chính hàng năm. Trong đó, DOC công bố chính thức mặt hàng cá tra, còn tôm mới là quyết định sơ bộ. Có thể nói đợt xem xét mức thuế chống bán phá giá 2 mặt hàng này có sự thay đổi các con số nhưng về cơ bản không giảm với mặt hàng phi lê cá tra và tăng khá mạnh với tôm, chỉ hy vọng sẽ giảm khi DOC công bố chính thức.

Với con cá tra, thoạt nhìn có sự giảm mức thuế mạnh khi 2 bị đơn là Công ty Vĩnh Hoàn giảm 14 lần, xuống còn 0,03USD/tấn, Công ty cổ phần Hùng Vương giảm gấp đôi xuống còn 1,2USD/kg và 11 bị đơn tự nguyện đa số ở mức 0,42 USD/kg, nhưng mức thuế chung vẫn cao (2,11 USD/kg) như đợt xem xét POR 8 năm 2013 từng gây tranh cãi khi DOC bất ngờ chuyển quốc gia đối chiếu từ Bangladesh sang Indonesia.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, với quyết định này DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ai cũng biết, Indonesia không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam khi chọn làm quốc gia thay thế tính biên độ phá giá.

Vì chỉ số GNI của Indonesia gấp đôi và GDP gấp 4 lần Việt Nam, do đó các giá trị thay thế của Indonesia mà DOC áp dụng cho Việt Nam như giá cá sống, con giống, thức ăn và phụ phẩm... có sự chênh lệch lớn giữa ngành nuôi cá Việt Nam và Indonesia, làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Các chuyên gia nhận định, điều này cho thấy DOC ngày càng siết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam một cách không thống nhất và mang tính bảo hộ trong các đợt xem xét gần đây nên luôn gây bất lợi cho các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam.

VASEP cho rằng, quá trình điều tra và áp thuế chống bán phá giá trong các kỳ xem xét hành chính DOC cần dựa trên tinh thần tôn trọng, dân chủ, bình đẳng vì quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, cũng như đời sống hàng triệu người dân phụ thuộc vào ngành sản xuất, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long và mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ không đe dọa ngành công nghiệp cá nheo Mỹ, mà còn tạo ra việc làm cho ngành kinh doanh Mỹ. VASEP kêu gọi DOC có chính sách nhất quán, hợp lý và công bằng các kỳ POR vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại Mỹ bởi đã bước vào năm thứ 10, cần hướng đến giai đoạn phát triển mới trên tinh thần hợp tác, chia sẻ quyền lợi của DN 2 nước.

Tái cơ cấu

Trước đó, kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8), giai đoạn từ 1-2-2012 đến 31-1-2013 của DOC áp mức thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm Việt Nam rất cao, 2 bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú ở mức 4,98% và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng là 9,75%, trong khi 30 DN bị đơn tự nguyện sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá trung bình giữa 2 công ty trên là 6,37%, và mức thuế suất của những DN còn lại vẫn ở mức 25,7%.

Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải cho rằng, đây chỉ là kết quả sơ bộ, tháng 9 mới công bố kết quả chính thức của POR8. Dù vậy, đây vẫn là một thông tin bất ngờ đối với DN xuất khẩu tôm, khi kết quả đợt xem xét trước POR7, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ của các bị đơn đều có mức thuế 0%.

Với 2 kết quả này cho thấy, cá tra và tôm, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong các đợt POR hàng năm, không năm nào giống năm nào và việc xem xét không dựa trên quy chuẩn thống nhất nên không thể lường hết các tình huống. Năm nào POR xem xét thấp như năm 2013 với con tôm thì DN vui. Nhưng liền ngay năm sau đó (năm 2014) lại cao.

Ông Trương Đình Hòe nhận định, điều lo ngại là cá tra có thể sẽ bị DOC tính toán theo cách của tôm. Nếu như vậy càng khắc nghiệt hơn con cá tra bởi tình hình của cá tra còn khó hơn tôm khi áp dụng thêm Luật Nông trại Mỹ. Điều đáng lo là lộ trình này có vẻ đang diễn ra.

Như vậy, khi nào Việt Nam chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì DN sẽ còn gặp khó khăn bởi DOC chọn những nước làm căn cứ để so sánh với Việt Nam đều không có sự tương đồng, luôn gây bất lợi cho DN Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, cần tham khảo và học tập về cách làm đối với con cá hồi của Na Uy.

Mặc dù bị DOC áp thuế chống bán phá giá, nhưng sau đó ngành hàng cá hồi Na Uy có đợt tái cơ cấu và hiện nay là nước dẫn đầu thế giới về mặt hàng này cả về số lượng, uy tín và thương hiệu.


Related news

heo-hoi-heo-giong-tang-gia Heo Hơi, Heo Giống Tăng… gia-tom-the-chan-trang-giam-manh Giá Tôm Thẻ Chân Trắng…