Mô hình kinh tế Tín hiệu vui cho người nuôi tôm

Tín hiệu vui cho người nuôi tôm

Publish date Wednesday. October 28th, 2015

“Tôm chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh khi được nuôi bằng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi”, chủ hồ Bùi Thị Nguyệt, xã Đức Thắng (Mộ Đức - Quảng Ngãi) khẳng định.

Vụ tôm vừa rồi, bà Nguyệt thả nuôi 360 nghìn con trên diện tích 3.000m2 và sử dụng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi bên cạnh.

Sau 80 ngày chăm sóc, tôm phát triển tốt, trọng lượng đạt 140 con/kg, năng suất thu được trên 2 tấn.

Ứng dụng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, hứa hẹn sẽ hồi sinh nghề nuôi tôm.

Theo các chủ hồ thì năng suất này chỉ đạt mức trung bình, nhưng bù lại tôm không bị dịch bệnh nên người nuôi vẫn có lãi.

Thế nên bà Nguyễn Thị Thu Đông - Trưởng Phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT cho rằng, mô hình đã thành công trong việc giải quyết vấn đề dịch bệnh trên con tôm, còn chuyện năng suất thì người dân có thể chủ động cải thiện, vì nó phụ thuộc rất lớn vào quy trình chăm sóc.

Được biết, mô hình nuôi tôm thương phẩm bằng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi được Tổng Cục Thủy sản ban hành, khuyến cáo nông dân áp dụng.

Bởi theo nghiên cứu, chất nhớt được tiết ra từ cá rô phi vừa có khả năng ức chế một số bệnh gây hại cho tôm; vừa giảm ô nhiễm môi trường nước, tạo điều kiện để các sinh vật có lợi phát triển.

Ngoài việc kết hợp giữa cá rô phi – tôm, một số nông dân cũng mạnh dạn áp dụng quy trình nuôi mới bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học và “nói không” với chất kháng sinh, thuốc kích thích.

Ông Đỗ Tuấn, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho rằng cùng với cám thì kháng sinh là thứ không thể thiếu trong suốt quá trình nuôi tôm.

Thế nên sau khi được các chuyên gia hướng dẫn về việc sử dụng một số chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, bản thân ông cũng nghi ngại vì lo tôm...yếu, dễ nhiễm bệnh! Thế nhưng, sau nhiều năm thất bại, ông Tuấn cũng thử cắt kháng sinh trong khẩu phần ăn của tôm.

Không biết vì sự thay đổi này, hay nhờ tiết trời thuận lợi mà cả 2 vụ tôm năm nay, ông Tuấn đều bội thu, với gần 500 triệu đồng lợi nhuận.

Và đây cũng là lần đầu tiên ông Tuấn nuôi tôm đạt trọng lượng đạt 51 con/kg.

“Giờ tôi ngẫm ra là ăn kháng sinh nhiều quá con tôm cũng không lớn nổi, có khi còn nhiễm bệnh.

Thế nên vụ đông này, tôi cũng chỉ xử lý nước bằng vôi và tuyệt đối không đụng đến kháng sinh.

Giờ tôm được 30 ngày tuổi và đang phát triển tốt”, ông Tuấn bày tỏ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng mạnh dạn thay đổi thói quen nuôi tôm như ông Tuấn.

Thế nên dù đã được các chuyên gia thủy sản về tận nơi tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi tôm an toàn dịch bệnh, nhưng nhiều hộ vẫn thờ ơ, lạm dụng kháng sinh và các loại thuốc kích thích không rõ nguồn gốc.

Trước tình trạng này, Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã và đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh cho người dân.

Ngoài ra còn nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm các mô hình nuôi tôm kết hợp với cá đối, rô phi và hải sâm để hạn chế dịch bệnh trên con tôm.

Đây được xem là những tín hiệu vui cho người nuôi tôm bởi hàng chục năm nay, đối tượng này liên tục bị dịch bệnh tấn công khiến họ lao đao, khốn khó.


Related news

ca-tam-dai-hon-1m-to-nhu-cot-nha-o-son-la Cá tầm dài hơn 1m… tha-ca-giong-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-tai-ho-thuy-dien-hoa-binh Thả cá giống tái tạo…