Tranh giành nguyên liệu mía ngay đầu vụ sản xuất
Mặc dù mới vào đầu vụ sản xuất nhưng vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đang bị nhiều công ty khác tranh mua với giá cao hơn.
Trong ảnh: Tình trạng tranh mua nguyên liệu mía đang nóng bỏng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đăng Nhật
Mỗi năm, Nhà máy đường An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai) phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tại 4 huyện K’bang, Đăk Pơ, Kông Chro, An Khê, với khoảng 27.000ha mía để đáp ứng nhu cầu 18.000 tấn mía/ngày. Tại vùng nguyên liệu này, Nhà máy đường An Khê thực hiện ký kết hợp đồng với người dân, cung ứng giống, phân bón với mức đầu tư 50 triệu đồng/ha. Khi thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Phước – Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, vừa vào đầu vụ thu hoạch thì bị bà con ở các vùng nguyên liệu đã chặt mía bán cho các nhà máy đường khác – chủ yếu là 2 Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai và Công ty CP đường Kon Tum. Điều này đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Nhà máy đường An Khê, phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu; đồng thời có thể dẫn đến các chủ mía đã nhận tiền đầu tư của nhà máy lẩn tránh trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư…
Theo thống kê của Nhà máy đường An Khê, vùng nguyên liệu của nhà máy bị các công ty “đi đêm” mua của nông dân với số lượng khoảng 1.300 tấn/ngày. Đặc biệt vài ngày gần đây, nhiều xe mía bắt đầu bán cho Công ty CP đường Kon Tum và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai với số lượng nhiều hơn. Ông Phước cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh và UBND các huyện thị về vấn đề này. Hiện nay nguồn nguyên liệu mía ở hai công ty này đang thiếu nên họ tập trung mua nguồn nguyên liệu của chúng tôi. Chúng tôi mong chính quyền nên có chế tài xử lý đối với các công ty tranh mua tranh bán trên địa bàn”.
Lý giải về việc tranh mua nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê, ông Nguyễn Bá Chủ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết, công ty phải mua nguyên liệu ở nhiều nguồn để bổ sung cho số lượng mía đã mất. Theo ông Chủ, vùng nguyên liệu của công ty cũng đang bị các công ty khác tranh mua. Cụ thể là các công ty có trụ sở đóng tại các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đăk Nông, Bình Định, Phú Yên.
Chỉ tính riêng niên vụ 2015-2016, công ty này bị mất khoảng 70.000 tấn mía chiếm hơn 10% tổng sản lượng. “Người dân đem bán trong khi chúng tôi đang thiếu nguyên liệu thì chúng tôi mua. Nhưng nếu biết đây là nguồn nguyên liệu mà Công ty CP đường Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với người dân thì chúng tôi sẽ không bao giờ mua. Hằng năm, chúng tôi cũng gửi văn bản đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc xử lý vấn đề này nhưng đâu lại vào đấy. Năm nay nếu người dân phá vỡ hợp đồng thì chúng tôi sẽ tìm cách thu hồi vốn và không tái ký hợp đồng với họ nữa” - ông Chủ nói./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao