Tin nông nghiệp Triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ

Triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ

Author Cẩm Trúc, publish date Tuesday. March 10th, 2020

“Làm nông tử tế”

Điểm khác biệt ở người phụ nữ Nhật này là tự lặn lội tìm đến những địa phương còn khó khăn nhất ở tỉnh để “bày” cho họ cách làm ăn, đa dạng sinh kế ngay chính trên mảnh đất quê nhà. Bà dạy từ cách sử dụng đồng vốn ít ỏi để mưu sinh đến cách quản lý kinh tế gia đình, từ quy mô nhỏ đến lớn dần. Bà cũng nổi tiếng là “làm việc với bà khó lắm”. Vì khi tham gia vào hoạt động sinh kế của bà, nông dân phải ghi chép cẩn thận mọi việc thu - chi, đầu vào - đầu ra chi tiết, trong khi với nông dân thì điều họ ngán ngại nhất là “ghi chép sổ sách, số má”.

Ở mỗi nhóm sản xuất hữu cơ, bà cùng ra đồng ngồi làm cùng nông dân. Bà hướng dẫn, giám sát kỹ thuật chặt chẽ cho nông dân. Hướng dẫn họ cách dùng màu sắc để dẫn dụ côn trùng phá hoại rau, hay cách trị sâu rầy bằng dùng rễ cây thuốc cá nghiền thành bột, trộn với tỏi, ngâm qua đêm; cách trị ốc sên, ốc ma, bọ… bằng cách dùng nước ngâm từ gừng, tỏi, ớt, rượu phun lên rau…

Bà Mayu Inno hướng dẫn nông dân sản xuất rau màu theo quy trình đạt tiêu chuẩn PGS (là từ viết tắt của Participatory Guarantee System - Hệ thống bảo đảm cùng tham gia). Đây là hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm, hộ nông dân theo hình thức đảm bảo các bên cùng tham gia.

Thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Ba Tri, huyện có 1,2ha với 14 hộ tham gia sản xuất rau hữu cơ theo mô hình PGS. Trong 4 nhóm đang trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, có 2 nhóm đã đạt chứng nhận PGS. Có 2 đơn vị thu mua từ TP. Hồ Chí Minh là Công ty Công dân chuyên nghiệp và Công ty Nông sản cà phê, với sản lượng cung ứng trên 1 tấn sản phẩm/tháng.

Anh Phan Minh Đức - đại diện nhóm rau hữu cơ Ba Mỹ cho biết, nhóm đã kết nối với nhóm người tiêu dùng nhỏ để tiêu thụ sản phẩm thường xuyên, với sản lượng ổn định. Trong tuần qua, nhóm rau hữu cơ Ba Mỹ cùng với lãnh đạo các cấp rất vui mừng khi “Nhà sơ chế rau hữu cơ Mỹ Chánh” đã hoàn thành và có thể phục vụ nhu cầu sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi đem ra thị trường cho các tổ, nhóm rau hữu cơ trên địa bàn huyện Ba Tri.

Ngoài ra, bà Mayu Inno còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình “Vườn rau hữu cơ” tại 12 điểm trường THPT. Qua đó, khích lệ tinh thần khởi nghiệp ở các em cũng như định hướng thay đổi canh tác từ truyền thống sang sản xuất hữu cơ.

“Hiện tôi đang triển khai mô hình trồng dừa hữu cơ tại huyện Bình Đại, với mong muốn mở rộng sản phẩm cho dừa, phát triển cộng đồng. Tôi đề xuất với địa phương mô hình trồng dừa hữu cơ. Muốn bền vững thì chúng ta lại phải quay về vấn đề gốc là “làm nông tử tế” - tức làm nông nghiệp hữu cơ”, bà Mayu Inno chia sẻ.

Xây dựng vùng nguyên liệu sạch

Với mục tiêu là chuyển đổi vùng đất đang ảnh hưởng của hóa chất sang đất hữu cơ, anh Lâm Anh Tú đã cùng với chị Đặng Thị Trường An trực tiếp đến vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Thạnh Phú mở vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ, bắt đầu từ năm 2014 - 2015.

Thời điểm đó, vẫn còn nhiều người trồng lúa mặc dù không sử dụng thuốc hóa học nhưng vẫn còn thói quen sử dụng phân bón hóa học. Anh Tú kể, năm đầu tiên, anh chỉ triển khai được 30ha trồng lúa trong nông dân. Anh đã hợp tác với nông dân sản xuất, cung cấp phân hữu cơ cho nông dân sử dụng và bao tiêu thu mua lúa hữu cơ. Đến cuối năm 2017, khi vùng lúa Thạnh Phú được công bố đã có chứng nhận nhãn hiệu Lúa sạch Thạnh Phú, anh tiến hành bao tiêu 100ha trong nông dân để đưa ra thị trường. Đến vụ mùa năm 2018, 2019, anh tăng diện tích liên kết lên 150ha (với hơn 120 hộ) và đến nay là 200ha. Cũng cuối năm 2017, vùng trồng lúa hữu cơ Thạnh Phú do Lâm Anh Tú liên kết với nông dân sản xuất tại vùng lúa sạch Thạnh Phú chính thức có chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu.

Nông dân Lê Văn Miền, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú cho biết, anh là một trong những người đầu tiên tham gia chuỗi sản xuất lúa hữu cơ do Công ty Hoa Nắng thực hiện, bắt đầu từ năm 2014, với diện tích 1,3ha. Là một nông dân còn khá trẻ (35 tuổi), anh Miền mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ.

“Từ khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, năng suất tăng thấy rõ qua từng năm. Năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/vụ. Từ hiệu quả kinh tế cao, tôi vận động bà con nhân rộng mô hình nên ngày càng nhiều nông dân tham gia. Ai cũng rất mừng”, anh Lê Văn Miền nói.

Đến nay, Lâm Anh Tú đã xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm gạo hữu cơ là Hoa Nắng, xuất khẩu sang châu Âu… Đầu năm 2020, Hoa Nắng triển khai sản xuất hữu cơ đối với vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản tại huyện Chợ Lách. “Ngoài gạo, chúng tôi sẽ phát triển trên lĩnh vực trái cây như: bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng (huyện Chợ Lách), tôm, cua, cá (huyện Thạnh Phú)”, anh Lâm Anh Tú cho biết thêm.


Related news

sau-rieng-chau-thanh-rung-la-rung-trai-do-thieu-nuoc-ngot Sầu riêng Châu Thành rụng… khoang-30-40-dien-tich-lua-thiet-hai-do-han-man Khoảng 30 - 40% diện…