Mô hình kinh tế Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới

Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới

Author Anh Thắng, publish date Friday. May 21st, 2021

Vùng biển Quảng Ninh có loài rong biển dược tính rất cao, nếu được nuôi trồng để cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chiết xuất tân dược, sẽ là hướng phát triển tốt.

Bà con huyện Vân Đồn nuôi thử nghiệm rong sụn ở vùng biển mặn lợ trong tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.

Dược tính cao

Rong biển còn gọi tảo biển, côn bố, hải đới… chứa đa dạng các thành phần dinh dưỡng như giàu iod, acid alginic, alginat, chất béo, chất đường, calci, phospho nên được sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc.

Với vị đắng mặn, tính hàn, rong biển còn có tác dụng nhuyễn kiên tán kết, hoá đàm, lợi thủy tiết nhiệt. Trị viêm sưng hạch, lao hạch, bướu cổ, nấc, phù nề, viêm tràn dịch mào tinh hoàn. Ngoài ra, theo nghiên cứu của của các tổ chức y tế, rong biển có nhiều dược tính hỗ trợ điều trị hoạt động tuyến giáp, bổ sung vitamin và khoáng chất, hỗ trợ cơ thể chống lại oxy hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm thiểu nguy cơ tiểu đường loại 2...

Hiện nay, có một số hoạt chất có nguồn gốc từ sinh vật biển sản xuất thành thuốc, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường như thuốc Ara-C và Trabectedin (chữa ung thư), Ara-A (điều trị bệnh Herpes) và Ziconotide (thuốc giảm đau)…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện “Đề án Nghiên cứu các hoạt tính sinh học từ nguồn dược liệu biển vùng Đông Bắc” vào năm 2012 với mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu dược liệu quý và bảo tồn nguồn gen các loài sinh vật biển ở phía Bắc.

Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học thu thập tổng số 310 mẫu sinh vật biển, trong đó xác định được 136 loài sinh vật, 77 giống, 13 chi và 66 họ thuộc 6 nhóm sinh vật (thân mềm, da gai, hải miên, san hô cứng, san hô mềm và rong, cỏ biển).

Đây là các mẫu sinh vật biển quý giá, phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học dùng làm thuốc chữa bệnh và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật.

Đồng thời, xác định được 13 bãi dược liệu biển ở vùng Đông Bắc trong đó có Cô Tô - Thanh Lân; Bái Tử Long; Hạ Long - Cát Bà là những khu vực trọng điểm, tập trung nhiều đối tượng sinh vật biển thuộc các nhóm sinh vật biển trên. Riêng đối với rong biển, rất thích hợp để phát triển vùng nuôi trồng và khai thác.

Nuôi rong biển bằng ống nhựa HDPE

Quảng Ninh là địa phương từng thực hiện thí điểm nuôi rong biển. Tuy nhiên sau thất bại, nhiều năm qua, tỉnh này không triển khai nuôi thêm rong biển. Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng đây là sự lãng phí đáng tiếc, bởi cây rong biển chính là đối tượng nuôi tiềm năng để phát triển kinh tế từ biển.

Nguyên nhân thất bại của mô hình rong biển của Quảng Ninh là do đặt vị trí nuôi sai, nằm trong vùng neo đậu tránh trú bão vốn kín gió, lặng nước, không có dòng thủy lưu, dẫn đến nhiệt độ tầng nước mặt vào mùa hè quá cao, tỷ lệ chất rắn lơ lửng trong nước nhiều, từ đó hạn chế sự phát triển của cây rong.

“Ở các vùng biển hở, mở của Quảng Ninh, các chỉ số tương đối thích hợp cho rong biển phát triển. Quảng Ninh cũng là địa bàn thuộc vùng phân bố của nhiều trong số hơn 800 loại rong biển đang có mặt tại Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định.

Rong sụn được nuôi trồng ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Trong một cuộc khảo sát gần đây tại vùng biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), Hiệp hội Nuôi biển đã bắt gặp nhiều vạt rong biển sinh sống tự nhiên. Bên cạnh đó, loại rong biển này hình dáng tương tự như loài rong nho, tuy nhiên có dược tính cao hơn, nếu được nuôi trồng, chế biến để cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chuyên môn chiết suất tân dược, sẽ là một hướng phát triển tốt, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa làm sạch môi trường nước, vừa thúc đẩy các đối tượng nuôi khác phát triển.

Theo báo cáo, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các vùng nuôi rong biển tập trung trong toàn quốc cho thấy, rong biển là đối tượng nuôi đa mục đích. Khi nuôi rong biển ở quy mô tập trung, công nghiệp thì giá trị kinh tế đạt được không thua kém nuôi tôm.

Cây rong biển cũng là cỗ máy lọc nước tự nhiên tuyệt vời thông qua cơ chế hấp thụ dinh dưỡng của nó. Rong biển còn có thể nuôi kết hợp với nhiều loại thủy sản khác, như rong sụn kết hợp với ốc hương, hải sâm, vẹm xanh; rong câu kết hợp với tôm sú…

Vật liệu thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường là kỹ thuật mới do Super Trường Phát đưa vào nuôi, trồng thử nghiệm rong biển. Ảnh: Anh Thắng.

Các đối tượng thủy sản nuôi kết hợp với rong biển nói trên đều có tốc độ phát triển cao hơn nuôi đơn từ 1,5-3 lần, đồng nghĩa với việc cho giá trị kinh tế trên một diện tích mặt biển cao hơn.

Mô hình nuôi rong biển còn có lợi thế riêng là cho thu hoạch quanh năm, chu kỳ khoảng 18 tháng mới cần phải vệ sinh vùng nuôi 1 lần. Bên cạnh đó, với công nghệ nuôi rong biển ngày càng tiên tiến, nhiều thiết bị nuôi hiện đại, giải quyết những điểm yếu của nuôi rong tự nhiên, đặt biệt là thiết bị vạt nhựa chống cá ăn rong, thiết bị cản sóng gió cho vùng trồng rong…

Đầu ra của cây rong hiện nay khá mở, với 80% sản lượng là xuất khẩu, giá thu mua rong biển trên thị trường hiện nay là 100.000 đồng/kg tươi, 300.000-500.000 đồng/kg khô.

Với mục tiêu phát triển cây rong biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đang có những hoạt động phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khảo sát các vùng nuôi, giới thiệu công nghệ nuôi mới và ký cam kết bao tiêu sản phẩm, là cơ sở, điều kiện thuận lợi phát triển rong biển, đối tượng nuôi mới nhiều tiềm năng của vùng biển Quảng Ninh.

Mới đưa vào thử nghiệm được một thời gian ngắn, Super Trường Phát đang là doanh nghiệp đầu tiên thử nghiệm nuôi rong biển với ống nhựa HDPE tại Trang trại mẫu tại Đảo Phất Cờ, thôn 2, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Qua hợp tác nghiên cứu cùng các kỹ sư chuyên về nuôi rong biển, bước đầu cho thấy môi trường nước lợ mặn của tỉnh Quảng Ninh phù hợp để nuôi trồng rong biển.

“Trong tương lai gần, sau khi thử nghiệm nuôi rong biển tại huyện Vân Đồn thành công, Super Trường Phát sẽ nhân rộng mô hình, giới thiệu mô hình nuôi rong biển tại môi trường nước lợ mặn của tỉnh Quảng Ninh cho các cơ sở và người dân trên toàn tỉnh cùng áp dụng nuôi trồng rộng dãi”, đại diện Công ty Super Trường Phát cho biết.

Hiện tại Việt Nam, rong biển cũng đang được nuôi trồng nhiều ở khu vực vùng biển phía Nam, tuy nhiên đa phần được ứng dụng dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp, để chế biến ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Các ứng dụng làm mỹ phẩm, dược phẩm còn rất ít.

Để phát triển ngành công nghiệp rong biển, cần tập trung xây dựng luật, quy định, quy trình cấp phép mặt nước cho các dự án nuôi trồng rong biển; quy hoạch phát triển rong biển quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu tác động môi trường của công nghiệp rong biển, đầu tư và hợp tác, để làm chủ công nghệ cao chế biến rong biển ra các sản phẩm có giá trị cao.


Related news

thanh-cong-tu-dam-me-lai-tao-tom-canh Thành công từ đam mê… nuoi-canh-kien-do-lai-gap-chuc-lan-trong-rung Nuôi cánh kiến đỏ, lãi…