Ương Dưỡng Tôm Giống Nâng Cao Tỷ Lệ Sống, Giảm Chi Phí Nuôi
Tôm giống từ 10 - 15 ngày tuổi thả nuôi rất dễ chết (tỉ lệ sống chỉ đạt khoảng 80%), gây tổn thất không nhỏ cho nông dân. Để khắc phục nhược điểm này, ông Nguyễn Văn Long (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã áp dụng phương pháp ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi, nâng tỷ lệ sống của tôm giống đến hơn 95%.
Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.
Theo ông Long, số lượng con giống này sau khi ương dưỡng trong bể 25 ngày tuổi sẽ đạt trọng lượng 2.000 con/kg, khi đó mới thả tôm ra ao nuôi. “Sau khi ương dưỡng trong bể một thời gian nhất định, con tôm đã đủ lớn có khả năng chịu đựng trước sự thay đổi bất lợi của môi trường ao nuôi, hạn chế tỷ lệ hao hụt con giống”, ông Long nói. Với cách làm như trên, ông Long tính toán lượng tôm giống qua các lần ương dưỡng trước đây chưa lần nào hao hụt đến 5%.
Được biết, hiện nay phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng con giống từ 10 - 15 ngày tuổi, thả trực tiếp vào ao nuôi nên tỷ lệ hao hụt rất cao. Do giai đoạn này tôm còn nhỏ, khả năng chống chịu với sự biến đổi môi trường chưa tốt nên dễ bị chết, tỷ lệ hao hụt đến gần 20%. “Với cách nuôi của tôi, số lượng tôm hao hụt giảm. Ngoài ra, chi phí xử lý môi trường trong bể ương cũng thấp hơn rất nhiều so với ngoài ao nuôi”, ông Long cho biết.
Theo tính toán của ông Long, nếu trên diện tích 1ha chi phí xử lý để ổn định độ kiềm và pH trong giai đoạn đầu (25 ngày đầu) thả giống mất khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí này trong bể ương dưỡng chỉ mất gần 2 triệu đồng. Lý giải về việc này, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, ao nuôi nền đất dễ xảy ra hiện tượng xì phèn cùng với nhiều tác động khác (mưa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn) làm môi trường luôn biến động, hơn nữa do khối lượng nước lớn nên chi phí xử lý ổn định môi trường luôn cao hơn trong bể.
Tuy nhiên, việc ương dưỡng trong bể cũng có nhược điểm là mật độ tôm cao, do đó cần phải cung cấp đủ lượng oxy cần thiết để tôm phát triển tốt. Ông Long cho biết, nên sử dụng hệ thống oxy đáy (sục khí từ đáy ao), vì giai đoạn này tôm còn nhỏ chủ yếu phân bố ở tầng đáy. Theo quy trình của ông Long, trên diện tích 700m2 bể ương, ông sử dụng 15 vỉ sục khí đáy. Vỉ sục khí được sử dụng các ống hơi khoanh tròn xoắn ốc có đường kính 47cm thả chìm xuống đáy ao.
Trên mặt bể được che chắn toàn bộ bằng lưới (loại thường dùng che khi trồng hoa phong lan). Việc che chắn này để nhằm mục đích không cho chim trời, cua, ếch, nhái… tiếp cận với ao ương hạn chế việc lây truyền mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. “Lưới cũng giúp hạn chế ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào bể, hạn chế sự phát triển của tảo giúp cho môi trường bể ương luôn ổn định, tôm phát triển nhanh”, ông Long nói.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao