Nuôi trâu Xây dựng chuồng nuôi trâu

Xây dựng chuồng nuôi trâu

Author TTKN - KNQG, publish date Thursday. February 25th, 2016

Có hai khuynh hướng xây dựng chuồng nuôi trâu:

- Xây dựng chuồng đơn sơ, thậm chí chỉ cần rào vây quanh một khu đất thích hợp. Xu hướng xây chuồng kiểu này để chủ yếu chống nóng cho trâu và điều đó quan trọng hơn là chống rét.

- Xây chuồng kiên cố, có tường bao quanh và mái che cẩn thận.

 1. Nguyên tắc xây dựng chuồng nuôi trâu:

Xây dựng chuồng nuôi trâu phải dựa trên cơ sở đặc tính sinh lý, tập tính của trâu; những đặc điểm khí hậu, thời tiết, địa hình của từng vùng lãnh thổ cũng như phương thức và quy mô chăn nuôi.

 - Đặc điểm sinh lý và tập tính của trâu:

Các giống trâu đều có xuất xứ, hình thành, tồn tại và phát triển trong điều kiện của các nước nhiệt đới.

Các tuyến mồ hôi của trâu kém phát triển và lại nằm sâu trong tổ chức dưới da nên khả năng điều hoà thân nhiệt bằng phương thức thoát mồ hôi rất hạn chế.

Trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ không khí cao, trâu rất khó chịu, do đó nó thường phải tìm nguồn nước để đầm tắm.

Mặt khác, trâu có bộ da dầy, nhưng lớp lông phủ trên thân thể thưa hơn bò nên sức chịu rét lại kém hơn bò, nhất là trong điều kiện rét ẩm và có gió (là những yếu tố làm cho cơ thể mất nhiều nhiệt).

- Đặc điểm từng vùng sinh thái:

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, trải dài từ 9 0 đến 230 vĩ độ Bắc, địa hình lại bị chia cắt bởi nhiều dãy núi và rừng nên còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khí hậu, thời tiết khác nhau.

- Phương thức chăn nuôi: nuôi quảng canh hay thâm canh.

- Mục đích và quy mô chăn nuôi: chăn nuôi trâu để cày kéo hay nuôi trâu lấy thịt ... Quy mô nông hộ hay gia trại, trang trại.

 2. Những yêu cầu kỹ thuật:

a/ Những yêu cầu chung:

- Vị trí, địa điểm: xây chuồng nuôi trâu tại nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, cách xa nhà ở và khu dân cư, trường học, chợ...

Địa điểm đặt chuồng nên gần đồng cỏ, bãi chăn thả, thuận tiện giao thông và nguồn nước phục vụ cho trâu.

- Hướng chuồng: đối với điều kiện của nước ta, tốt nhất là xây chuồng theo hướng nam hoặc đông nam.

Như vậy, có thể hứng được gió đông nam mát mẻ vào mùa hè oi bức, đồng thời tiện che chắn khi có gió mùa đông bắc rét buốt.

Tuy nhiên, cũng còn phải tuỳ thuộc vào địa hình cụ thể và chế độ tiểu khí hậu của từng vùng mà xác định hướng chuồng thích hợp để tận dụng được tốt nhất những yếu tố tích cực của ngoại cảnh, mặt khác, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố bất lợi của thời tiết tác động đến gia súc.

 

b/ Những yêu cầu cụ thể:

- Nền chuồng: có thể làm nền chuồng bằng gạch hoặc bê tông. Dù làm bằng chất liệu gì thì mặt nền chuồng cũng phải bảo đảm là không được gồ ghề, không trơn trượt.

Nền chuồng phải có độ dốc hợp lý, hướng về rãnh thoát nước. Yêu cầu diện tích mặt nền 5,0 – 6,0m2/con trâu trưởng thành.

- Tường chuồng: những vùng có điều kiện khí hậu thuận lợi như miền Nam chẳng hạn, có thể không cần xây tường che chắn.

Những vùng khác nên xây tường bao quanh để che rét mùa đông và tránh mưa hắt vào mùa mưa.

- Mái che: tuỳ theo điều kiện kinh tế, có thể dùng các tấm lợp fibro ximăng tôn mạ kẽm, ngói hoặc tre lá.

Khung đỡ mái có thể làm bằng sắt cạnh, tre, gỗ. Độ nghiêng của mái có thể từ 30 đến 400 tuỳ thuộc vào loại vật liệu lợp mái.

- Rãnh thoát nước, phân, nước tiểu: được bố trí chạy dài, dọc theo chuồng phía sau chỗ trâu đứng.

Lòng rãnh không sâu và xây lượn tròn, chiều rộng làm sao có thể lọt vừa xẻng to (22- 25 cm). Độ dốc từ đầu này đến đầu kia khoảng 2 - 3%, đảm bảo thoát nước tốt.

- Bể chứa phân và nước tiểu: cần bố trí cách xa nhà ở, khu chuồng nuôi và cuối hướng gió

+ Hố phân: dung tích của hố tính theo công thức:
P.n.t
V = -----------------
m
V= dung tích của hố cần xây (m3)

P = lượng phân do một con trâu thải ra tại chuồng trong một ngày đêm (kg)

n = số trâu nuôi

t = số ngày trữ phân ở hố

m = khối lượng riêng của phân (0,6 - 0,7)

Nếu có điều kiện, tốt nhất là xây bể biogas để sản xuất khí mêtan cho đun nấu, thắp sáng, kết hợp tiệt trùng, nâng cao chất lượng phân, và vệ sinh môi trường

+ Hố nước tiểu: nên xây dựng hố chứa được lượng nước tiểu cho cả chuồng nuôi, trong vòng 20 - 30 ngày. Dung tích bể chứa tính theo công thức:

V = g. n. t

V = dung tích (m3)

g = lượng nước tiểu trong một ngày đêm của một con

n = số trâu nuôi

t = số ngày tích trữ (20 - 30 ngày)

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, đặc biệt là khả năng kinh tế của chủ nuôi, có thể xây dựng và bố trí kho chứa thức ăn tinh, kho chứa cỏ khô, bể ủ thức ăn xanh.


Related news

benh-dich-ta-nguyen-nhan-va-cach-phong-tri Bệnh dịch tả - Nguyên… ky-thuat-xu-ly-rom-lua Kỹ thuật xử lý rơm…