Xây Dựng Thương Hiệu Chè Sạch Hà Nội
Từ lâu, cây chè đã được các xã miền núi của Hà Nội chọn làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là các giống chè cũ… nên hiệu quả kinh tế thấp.
Để giúp các xã miền núi phát huy giá trị kinh tế từ cây chè, trong những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch; thực hiện quy hoạch, chọn giống chè năng suất, chất lượng cao để xây dựng thương hiệu chè sạch Hà Nội.
Ba Vì vốn là "vựa" chè của Hà Nội, nhiều xã đã phát triển kinh tế, có thu nhập cao nhờ cây chè. Hiện huyện có trên 2.000ha chè, tập trung ở các xã miền núi như: Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang… trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm 50-60%, còn lại là tiêu thụ nội địa.
Chè Ba Vì đã được xây dựng thương hiệu và khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất chè tại Ba Vì cũng như các địa phương khác của Hà Nội còn manh mún, chưa áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năng suất, chất lượng còn hạn chế.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, các xã miền núi có thế mạnh về cây chè thì việc đầu tư mở rộng sản xuất có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội khảo sát, xây dựng mô hình sản xuất chè sạch theo hướng VietGap. Thực hiện kế hoạch, năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng đã xây dựng các mô hình như: Thâm canh chè an toàn, thâm canh chè VietGAP, cơ giới hóa trong sản xuất chè tại các xã miền núi.
Năm 2012, diện tích chè được trồng theo các mô hình mới đạt 155ha, thu hút 322 hộ tham gia. So với tập quán sản xuất chè trước kia, hiệu quả kinh tế mà các mô hình mới đã tạo ra bước đột phá. Mô hình trồng chè an toàn cho lợi nhuận tăng 14,4 triệu đồng/ha; mô hình trồng chè VietGAP giúp tăng 13 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Hoàng Vững, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình anh trồng 1,6 mẫu chè theo quy trình sản xuất chè sạch với giống chè PH1 do Trung tâm Phát triển cây trồng hỗ trợ 100% giống, 30% thuốc BVTV, tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo quy trình nên hiệu quả kinh tế tăng cao hơn trước đây.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng khẳng định, cây chè đang là cây trồng chủ lực của huyện. Đặc biệt, sau thi thực hiện các mô hình sản xuất mới, năng suất, chất lượng và giá thành chè Ba Vì tăng. Cây chè đã thực sự hỗ trợ nông dân các xã miền núi thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện sẽ xây dựng 3 vùng chè lớn gắn liền với các vùng du lịch sinh thái là vùng chè Ba Trại, Vân Hòa - Yên Bài và Minh Quang - Khánh Thượng, đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi, xuất khẩu 4.000 tấn chè các loại mỗi năm... Cây chè giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho hơn 10.000 lao động.
Từ thành công đó, tháng 4-2013, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn với diện tích 185ha; trong đó, trồng mới và trồng thay thế 50ha, thâm canh chè an toàn 70ha, thâm canh chè VietGAP 20ha, áp dụng KHKT trên 20ha...
Để các mô hình đạt hiệu quả cao, trung tâm đã phối hợp với Viện Khoa học kinh tế Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc ký hợp đồng liên kết đào tạo cán bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn và thuê chuyên gia giám sát thực hiện.
Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, trung tâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng phòng kinh tế các huyện tham gia mô hình kiểm tra tiến độ, hướng dẫn chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè theo quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Mục tiêu chương trình là phát triển ưu thế chè Hà Nội, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao