Mô hình kinh tế Ý nghĩa thiết thực từ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi

Ý nghĩa thiết thực từ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi

Publish date Wednesday. July 15th, 2015

Sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ...; cùng với sự cố gắng vươn lên thoát nghèo của nhân dân góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54% năm 2010 xuống còn 19% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 7%, đạt 144% so với Nghị quyết; mức sống của người dân dần nâng lên. Trong đó, việc quan tâm đầu tư thực hiện chủ trương tăng trưởng mạnh đàn gia súc cũng là một trong những chính sách đem lại hiệu quả giảm nghèo ở đây.

Để hỗ trợ người dân nghèo phát triển đàn gia súc, huyện đã ban hành Chương trình số 04-CTr/HU năm 2011 “Về phát triển đàn đại gia súc giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, các cơ chế hỗ trợ phát triển đàn đại gia súc như: Hỗ trợ trồng cỏ; hỗ trợ lãi suất cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí cho nhân dân thực hiện thụ tinh nhân tạo bò; hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa... được triển khai rộng rãi đến nhân dân. Đặc biệt, chương trình đầu tư chăn nuôi lợn có thu hồi gắn với xây bể biogas; đầu tư có thu hồi ở các xã Quản Bạ, Thanh Vân, Quyết Tiến, Đông Hà... trở thành nguồn lực giúp nhiều hộ thoát nghèo trở thành khá giả. Từ đó, góp phần nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 20,9% cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đến nay, tổng đàn đại gia súc ước đạt 18.770 con, gồm: Số lượng đàn trâu là 6.968 con; đàn bò là 11.802 con; đàn lợn có 44.470 con. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Phạm Ngọc Pha cho biết: “Đàn gia súc của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay về cơ bản đạt tốc độ tăng trưởng từ 5,5 – 6%/năm. Để có được thành quả đó, huyện đã tập trung vào mấy giải pháp cơ bản như: Cải tạo đàn bò bằng cách thụ tinh nhân tạo và trồng cỏ thâm canh, trung bình mỗi đầu bò có khoảng 1.500m2 cỏ là đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, huyện còn thực hiện hỗ trợ việc chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò để tập trung sản xuất theo hướng thâm canh”.

Để phát triển đàn gia súc, huyện cũng gặp phải một số khó khăn như thời tiết, khí hậu ở vùng cao không thuận lợi, về mùa đông nhiệt độ thường xuống rất thấp, hay xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại, thiếu cỏ ảnh hưởng đến việc phát triển đàn trâu, bò. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư lớn cũng là một hạn chế đối với những hộ dân ở đây. Giải quyết những vấn đề trên, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống đói rét cho gia súc; hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho gia súc bằng cách ủ chua nên đã cơ bản khắc phục những hạn chế trên. Về giải quyết nguồn vốn đầu tư, huyện đã phối hợp với các ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội... tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Đồng thời, vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện sử dụng nguồn kinh phí được giao hỗ trợ cho người dân có nguồn vốn phát triển chăn nuôi bằng hình thức đầu tư có thu hồi. Ví dụ, năm 2015 đã đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho người dân chăn nuôi bò sinh sản; nuôi bò vỗ béo... có thu hồi. Ngoài ra, huyện còn tiếp cận các nguồn hỗ trợ khác từ các tập đoàn, doanh nghiệp như Tập đoàn Viettel, năm 2015 đã nhận hỗ trợ 339 con bò cho người dân các xã biên giới. Qua đó, người dân đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, nhiều gia đình phát triển được đàn gia súc, vươn lên thoát nghèo bền vững.


Related news

quang-nam-se-co-them-13-tau-danh-bat-xa-bo Quảng Nam sẽ có thêm… khai-thac-hieu-qua-cay-duoc-lieu Khai thác hiệu quả cây…