Biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên cá bột
Sau khi nở kích thước cá bột còn nhỏ, hoạt động yếu, khả năng hấp thu thức ăn kém, sức đề kháng chưa cao. Để hạn chế mầm bệnh xâm nhập, cá cần được sống trong môi trường giàu dinh dưỡng và không có các vật nuôi khác xâm hại.
Nguyên nhân gây bệnh
Cá bột bị bệnh là do nhiều nguyên nhân khác nhau, người nuôi cần xác định được nguyên nhân chính xác thì mới đưa ra các biện pháp điều trị hiệu quả.
Chất lượng nước bị thay đổi
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước. Cụ thể như khi nhiệt độ nước thay đổi ngột vào tháng 12 đến tháng 2 (có thể xuống thấp đến 18 – 220C) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 6 (lên đến 30 – 380C), tạo nên chênh lệch ngày đêm lớn (khoảng 7 – 100C) sẽ làm cho cá sốc, bỏ ăn, suy yếu và dẫn đến là dễ bị bệnh.
Nguồn nước cấp bị ô nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn, virus hay trong quá trình nuôi việc quản lý chất lượng nước không tốt cũng làm giảm sức đề kháng của cá.
Sau mỗi đợt nắng nóng xen kẽ là các đợt mưa dẫn đến thay đổi yếu tố môi trường nước như nhiệt độ nước giảm đột ngột, pH giảm, tảo chết phân hủy gây thiếu ôxy tầng đáy, tạo khí độc H2S, NH3… làm cá nổi đầu, nếu không được xử lý kịp thời dẫn đến cá chết hàng loạt.
Chất lượng thức ăn kém
Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và làm ô nhiễm nước ao.
Nguồn giống kém chất lượng
Nhiều trường hợp cá có thể đã bị nhiễm bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt trùng, khi thả cá xuống ao, nếu gặp thời tiết bất lợi sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh.
Chăm sóc
Để cá phát triển tốt trong quá trình nuôi thì ngay từ lúc lựa chọn cá bột cần phải kiểm tra kỹ. Cá bột phải được sản xuất ra từ đàn cá bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng. Về ngoại hình, cơ thể cá đã hoàn chỉnh, màu sắc sáng đẹp, chủ động bơi lội. Cá bơi nhanh quanh thành dụng cụ chứa cá (chậu, chén, bát), có tính hướng quang, có phản ứng với tiếng động khi gõ nhẹ vào thành dụng cụ chứa cá. Không có dấu hiệu bệnh lý, cỡ cá đồng đều. Cá bột phải được chọn từ các trại sản xuất có uy tín và nguồn cá bố mẹ phải đạt chuẩn quốc gia. Để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá bột, có thể dựa vào phương pháp sau: Ngâm cá bột trong dung dịch formalin nồng độ 10 ppm trong khoảng 1 phút. Nếu cá khỏe sẽ bơi lội bình thường. Cá yếu sẽ bơi lội chậm sau khi ngâm, trường hợp nặng có thể chết với tỷ lệ 50%, hay khoảng 90% sau vài tiếng.
Lựa chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện ao nuôi. Hiện nay có rất nhiều loại cá nuôi. Tuy nhiên, để chọn được loài cá nuôi thích hợp, người nuôi cần căn cứ vào điều kiện từng vùng sinh thái khác nhau, mùa vụ, nhu cầu của thị trường và khả năng đầu tư.
Bổ sung ôxy viên xuống ao trước khi thả. Sau khi thả, nên tạt thêm Yucca hoặc Vitamin C giúp cá giảm stress. Những ngày tiếp theo, có thể dùng ôxy viên vào ban đêm, khi cá thả được khoảng 7 – 10 ngày thì dừng.
Chăm sóc cá theo đúng kỹ thuật, cho ăn theo 4 định (Định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian) để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm, cám nấu thì nên để vào sàng cho cá ăn nhằm dễ quản lý.
Trong quá trình ương cá bột, tuần thứ nhất: phải đảm bảo thức ăn tự nhiên cho cá; Tuần thứ 2 cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá để cá phát triển đồng đều; Từ tuần thứ 3 trở đi người nuôi nên bổ sung các dưỡng chất cần thiết như vitamin để cá phát triển tốt.
Hàng ngày, vào lúc sáng sớm cần chú ý quan sát hoạt động của đàn cá, màu bọt khí trên mặt nước ao và thời tiết. Nếu có biểu hiện bất thường cần kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Quản lý ao
Hàng ngày thường xuyên quan sát, kiểm tra ao để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị sạt lở, lỗ mọi, hang hốc do cua, rắn, chuột đào, cống bọng bị rò rỉ, hư hỏng.
Không để địch hại như rắn, ếch, lươn, cá tạp, cá dữ, bọ gạo… xâm nhập.
Quan sát màu nước ao ương, màu nước xanh nõn chuối là tốt nhất. Cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp với thay nước mới để môi trường luôn sạch và ổn định trong quá trình ương, hạn chế được vi khuẩn gây bệnh cho cá.
Khi có những trận mưa đầu mùa, sử dụng vôi bột đã lắng trong với liều lượng khoảng 2 – 3 kg/100 m2 tạt đều khắp ao.
Các chất thải sinh hoạt và quá trình sản xuất như túi nilon, thuốc, hóa chất… phải được bỏ vào thùng chứa rác, không được thải ra ao ở khu vực nuôi cá để không gây hại đến môi trường ao nuôi.
Nước thải ra từ ao phải được xử lý trước khi thải ra sông nhằm tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Xử lý địch hại
Bọ gạo, nòng nọc là những địch hại làm hao hụt rất nhiều cá bột, vì vậy cần phải phát hiện và tiêu diệt kịp thời.
Đối với bọ gạo, trước khi thả cá, cần dùng dầu hỏa vẩy khắp ao, tạo thành một lớp ngăn cách giữa nước và không khí. Theo tập tính, khi hô hấp bọ gạo sẽ ngoi nhiên, tuy nhiên do có lớp dầu hỏa nên chúng sẽ không lấy được khí trời dẫn đến bị chết ngạt; mặt khác, khi ngoi lên lấy khí trời tiếp xúc với dầu hỏa, bọ gạo sẽ bị ngộ độc.
Sau 2 ngày thả cá xuống ương, nếu phát hiện thấy bọ gạo, nên làm khung hình chữ nhật nổi trên mặt nước (làm bằng ống nước, bằng tre), đổ dầu hỏa vào rồi kéo di chuyển chậm chạm khắp mặt ao. Làm như vậy, bọ gạo sẽ khỏi trốn thoát. Lưu ý, nên chọn những ngày có ít nắng và gió nhẹ để dùng dầu hỏa.
Nòng nọc là ấu trùng của ếch nhái, cóc, còn tồn tại đến tháng thứ 7 nếu trời ít mưa. Nòng nọc dễ lọt vào ao ương sau khi thả cá và ăn rất nhiều cá bột. Phương pháp diệt nòng nọc hiệu quả nhất là buổi sáng sớm dùng vợt cá hương hoặc lưới cá hương quây bắt, cá bột sẽ lọt qua mắt lưới mà không bị ảnh hưởng.
Cá bột cần được thả vào ao ương trong vòng 24 giờ sau khi lấy nước vào, để cho những địch hại của cá bột (giáp xác chân chèo, nòng nọc, bọ gạo, bắp cày,…) chưa kịp phát triển. Trường hợp sau khi lấy nước vào hơn 2 ngày vẫn chưa thả cá bột thì nên tháo cạn nước, cải tạo lại từ đầu.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao